Dự thảo lần thứ nhất Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ sáu của Ban soạn thảo có bố cục gồm 8 phần, 36 chương, 477 điều (nhiều hơn 131 điều so với Bộ luật hiện hành); trong đó, sửa 281 điều, bổ sung mới 143 điều, giữ nguyên 53 điều và bỏ 15 điều. Cùng với bố cục, kết cấu rành mạch và phù hợp với sự phân chia các giai đoạn tố tụng, dự thảo Bộ luật chứa đựng trong đó nhiều tư tưởng mới, tiến bộ, thể hiện tính tôn nghiêm và giá trị văn minh của nền tư pháp... Nhân sự kiện này, Phóng viên Tạp chí Kiểm sát đã phỏng vấn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng ban soạn thảo dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) về những nội dung cơ bản của dự thảo Bộ luật.
Sau đây, Tạp chí Kiểm sát trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn. Tiêu đề bài trả lời phỏng vấn do Tạp chí Kiểm sát đặt.
Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Kính thưa PGS., TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)!
Đề nghị ông cho biết những yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự?
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) có một vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, là công cụ pháp lý, cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây cũng là một Bộ luật hội tụ đầy đủ các yêu cầu để đảm bảo cho việc tăng cường cuộc đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm; đồng thời, cũng là một công cụ để bảo vệ quyền con người và quyền công dân, đảm bảo dân chủ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua và có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2014, Quốc hội đã chỉ đạo tập trung xây dựng, sửa đổi nhiều dự án luật, trong đó có BLTTHS. Trách nhiệm này, Quốc hội giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì để biên soạn và báo cáo Quốc hội. Trong lần sửa đổi này, có một số yêu cầu được đặt ra như sau:
Thứ nhất, việc sửa đổi BLTTHS lần này phải quán triệt tinh thần cải cách tư pháp của Đảng theo Nghị quyết số 49-NQ/TW, Kết luận số 79-KL/TW. Theo đó, lộ trình của cải cách tư pháp là đến năm 2020, chúng ta phấn đấu xây dựng được một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, hiệu quả trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ quyền con người, phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân.
Thứ hai, Dự thảo phải thể hiện tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013.
Hiến pháp có nhiều nội dung đổi mới, trong đó có nội dung quan trọng là đặt rất cao quyền con người và quyền công dân. Lần đầu tiên, các nguyên tắc tư pháp tiến bộ của nhân loại được quy định trong Hiến pháp như: Bảo đảm tranh tụng, suy đoán vô tội, đảm bảo xử lý công khai, minh bạch, đúng thời hạn...
Bộ luật sửa đổi lần này phải thể hiện được tinh thần đổi mới đó của Hiến pháp.
Thứ ba, Bộ luật này phải được sửa đổi trên cơ sở tổng kết thực tiễn, thực thi BLTTHS hiện hành đã được thông qua từ năm 2002. Tổng kết này chỉ ra những ưu điểm và mặt hạn chế của BLTTHS hiện hành. Theo đó, những quy định đang phát huy tác dụng tốt thì tiếp tục kế thừa và phát huy; những nội dung bất cập về mặt luật thực định thì phải khắc phục. Đây chính là cơ hội để chúng ta khắc phục những hạn chế của luật hiện hành.
Qua tổng kết thực tiễn để đạt được hai yêu cầu: Thứ nhất, là đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống tội phạm có hiệu quả; thứ hai, là bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đây là yêu cầu rất lớn.
Thứ tư, chúng ta đang trong quá trình hội nhập toàn diện, sâu rộng vào hoạt động chung của thế giới, lần sửa đổi BLTTHS này cũng là dịp để chúng ta học tập một cách có chọn lọc những quy định tiên tiến của nhân loại về các hoạt động tố tụng hình sự.
Tố tụng hình sự là kiến thức chung, là kinh nghiệm chung; thế giới cũng đấu tranh chống tội phạm, chúng ta cũng đấu tranh chống tội phạm. Những thách thức của thế giới cũng chính là những thách thức của chúng ta; những thành công hay thất bại của họ cũng cho chúng ta những bài học rất bổ ích. Cho nên học tập, tiếp thu, kế thừa những tinh hoa hợp lý của các nền tư pháp tiên tiến trên thế giới cũng là một trong những yêu cầu của lần sửa đổi này.
Phóng viên: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc ghi nhận và cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội đối với việc hạn chế oan sai và khắc phục tình trạng chậm trễ, kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án?
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Trong đấu tranh chống tội phạm có hai yêu cầu được đặt ra có mức độ đòi hỏi khắt khe ngang nhau.
Một mặt, phải chống bỏ lọt tội phạm; mặt khác, phải chống oan, sai. Hậu quả nào, kể cả bỏ lọt hay oan, sai cũng mang đến những tác động tiêu cực rất lớn đối với xã hội. Nếu bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, luật pháp không nghiêm, không công bằng; nhưng nếu để xảy ra oan sai thì đó không phải là nền tư pháp văn minh. Chúng ta phải bảo đảm quyền con người, cho nên, việc xây dựng BLTTHS (sửa đổi) phải đáp ứng cả hai yêu cầu như vậy.
Liên quan đến câu hỏi của phóng viên, chúng tôi thấy, lần sửa đổi này, chúng ta đã đưa vào và cụ thể hóa nguyên tắc suy đoán vô tội đã được ghi trong Hiến pháp. Đây là nguyên tắc tiến bộ.
Đã có rất nhiều điều luật quy định trách nhiệm chứng minh của các cơ quan tiến hành tố tụng, quy định các quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo để đảm bảo quyền công dân được tôn trọng trước khi có bản án có hiệu lực của Tòa án kết án một công dân. Mọi quyền công dân, quyền con người của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo phải được tôn trọng và chỉ có luật pháp, những quy định của luật, mới có thể đem đến những biện pháp hạn chế quyền con người. Trước đây, quy định là pháp luật, mà pháp luật thì bao gồm cả Thông tư, Nghị định, Nghị quyết... Lần sửa đổi này, điều đó phải được quy định trong luật, chỉ có luật mới được quy định, mà luật là do Quốc hội ban hành. Đây là nguyên tắc rất tiến bộ, được thể hiện trong BLTTHS (sửa đổi).
Phóng viên: Yêu cầu đề cao trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng và vấn đề tăng thẩm quyền cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã được thể hiện trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này như thế nào, thưa ông?
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Tăng thẩm quyền cho các chức danh tư pháp trong đó có Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán là một đòi hỏi của chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, cũng là xu thế của nhân loại.
Hoạt động tố tụng hình sự gắn liền với các chủ thể tiến hành tố tụng và mỗi cá nhân tiến hành tố tụng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định tố tụng của mình. Cho nên, việc tăng thẩm quyền đối với các chức danh tư pháp thì cũng đồng thời với việc tăng trách nhiệm của các chức danh này. Tinh thần của Hiến pháp và quy định của Dự thảo Bộ luật là nếu người tiến hành tố tụng ban hành văn bản tố tụng sai thì phải chịu trách nhiệm, phải bồi thường. Tuy nhiên, trong điều kiện dân trí, trình độ, mặt bằng nhận thức chung và truyền thống pháp lý của chúng ta hiện nay, chúng tôi thấy, việc tăng thẩm quyền đến đâu thì phải có lộ trình và đảm bảo nguyên tắc quyền lực phải có sự phân công, phối hợp và kiểm soát, chế ước lẫn nhau.
Theo đó, những thẩm quyền quyết định đóng mở các giai đoạn tố tụng, những thẩm quyền liên quan đến hạn chế quyền con người như bắt, giam, tha, khởi tố, gia hạn... thuộc trách nhiệm của những người có chức danh tư pháp nhưng ở vị trí lãnh đạo, tức là có sự gắn kết giữa quyền lực tư pháp và quyền lực hành chính, ví dụ như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án; những quyền liên quan đến việc làm sáng tỏ sự thật của vụ án thì có thể mạnh dạn giao cho Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán để thực hiện các biện pháp công tác làm sáng tỏ sự thật vụ án, mà trong Luật hiện hành chưa quy định.
Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân, trong Dự thảo lần này, vấn đề thể chế hóa chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, làm tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực tố tụng hình sự được thể hiện như thế nào?.
Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình: Trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này, kể cả hình thức, nội dung, kết cấu và từng điều luật có những thay đổi, phản ánh rất nhiều về vị trí của các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có ngành Kiểm sát nhân dân. Ví dụ, trong Dự thảo lần này, chúng tôi phân định ra một cách mạch lạc các giai đoạn tiến hành tố tụng: Giai đoạn tiền khởi tố là giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm; giai đoạn thứ hai là giai đoạn điều tra; giai đoạn thứ ba là giai đoạn truy tố; giai đoạn thứ tư là giai đoạn xét xử; giai đoạn thứ năm là giai đoạn thi hành án. Mỗi một giai đoạn tiến hành tố tụng như vậy, về cơ bản, gắn liền với nhiệm vụ chính của một chủ thể tiến hành tố tụng, như nhiệm vụ điều tra gắn liền với Cơ quan điều tra; truy tố gắn liền với Viện kiểm sát; xét xử gắn liền với Tòa án; thi hành án gắn với các cơ quan Thi hành án hình sự và dân sự của Bộ Công an hoặc của Bộ Tư pháp.
Trước đây, về mặt kết cấu, thì Bộ luật quy định về hoạt động của Viện kiểm sát thể hiện chung trong các giai đoạn tố tụng; lần này, về mặt hình thức thì rõ ràng đây là một giai đoạn và gắn liền với trách nhiệm của hoạt động công tố. Đương nhiên, Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì xuyên suốt cả quá trình tố tụng.
Hai là, trong Dự thảo BLTTHS (sửa đổi) lần này quy định rõ ràng hơn nhiệm vụ của Viện kiểm sát từ khâu xác minh tố giác, tin báo về tội phạm cho đến khâu thi hành án. Viện kiểm sát cũng có nhiệm vụ của mình trong giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.
Trở lại câu hỏi ban đầu của Phóng viên, trước yêu cầu chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm, thì việc có sự tham gia của Viện kiểm sát ngay từ khâu kiểm sát tố giác, tin báo về tội phạm sẽ góp phần chống bỏ lọt tội phạm ở giai đoạn này. Thẩm quyền của Viện kiểm sát cũng được quy định rõ hơn.
Tất cả những biện pháp cưỡng chế tố tụng lần này được tập hợp đầy đủ trong chương về cưỡng chế tố tụng. Những biện pháp cưỡng chế tố tụng liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải có cơ quan kiểm sát phê chuẩn. Viện kiểm sát đảm nhiệm nhiệm vụ này.
Trong trường hợp có vi phạm thì Viện kiểm sát có thẩm quyền như quyền kháng nghị, quyền từ chối phê chuẩn, quyền khởi tố vụ án, thậm chí nếu có vi phạm nghiêm trọng thì có quyền điều tra. Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra chuyên trách của Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng được khẳng định trong Bộ luật này, và đây là biện pháp rất mạnh để duy trì trật tự kỷ cương trong thi hành công vụ và góp phần xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Kiểm sát Online, Viện KSND tối cao