Qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện KSND huyện Đông Hòa nhận thấy tình hình tội phạm trên địa bàn huyện xảy ra đa dạng và phức tạp cả về tính chất, thủ đoạn, hậu quả, mức độ nguy hiểm của hành vi và có chiều hướng ngày càng gia tăng. Trong 10 tháng đầu năm 2014 đã xảy ra 63 vụ, tăng 14 vụ so với cùng kỳ năm 2013, một số loại tội phạm xảy ra nhiều như trộm cắp tài sản 33 vụ, cố ý gây thương tích 14 vụ, vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ 10 vụ... Các đối tượng phạm tội hầu hết là thanh, thiếu niên. Viện KSND huyện Đông Hòa đã phê chuẩn 71 bị can, trong đó có 55 bị can có độ tuổi từ 16 đến dưới 30 tuổi, chiếm 77,5% tổng số bị can; 16 bị can có độ tuổi trên 30 tuổi, chiếm 22,5% tổng số bị can.
Qua việc kiểm sát giải quyết các vụ án, nhận thấy nguyên nhân dẫn đến việc thanh, thiếu niên phạm tội ngày càng gia tăng trong thời gian vừa qua chủ yếu xuất phát từ phía gia đình và xã hội và từ chính bản thân của các đối tượng. Việc giáo dục pháp luật trong nhà trường có lúc, có nơi chưa được chú trọng, mối liên hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội chưa chặt chẽ nên việc phối hợp quản lý học sinh chưa thường xuyên. Về phía xã hội, việc giao lưu, hội nhập đem lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cùng với đó là sự du nhập của các luồng văn hóa tiêu cực, các ấn phẩm văn hóa đồi trụy tràn lan, nhiều tệ nạn xã hội mới phát sinh như ma túy, mại dâm… Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện thiếu những điểm giao lưu văn hóa lành mạnh, chưa tạo được sự liên kết trong đào tạo nghề và giải quyết việc làm giữa Huyện đoàn và Trung tâm dạy nghề huyện. Từ đó dẫn đến các đối tượng dễ sa ngã, dễ bị kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo thực hiện hành vi vi phạm và tội phạm.
Để góp phần giảm bớt hành vi vi phạm và phạm tội trong thời gian đến, Viện KSND huyện Đông Hòa kiến nghị đ/c Bí thư Huyện đoàn Đông Hòa với vai trò là thủ lĩnh lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên, đại diện chăm lo và bảo vê quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ thực hiện các giải pháp sau đây:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong thanh, thiếu niên.
2. Chủ động phối hợp với Tòa án, Viện kiểm sát và các cơ quan hữu quan, liên kết các chi đoàn trên địa bàn huyện xây dựng kịch bản, tổ chức các “ Phiên tòa giả định” trong nhà trường và những thôn, xã có tình hình tội phạm gia tăng.
3. Tích cực tổ chức các hoạt động vui chơi, sinh hoạt lành mạnh, lồng ghép các nội dung giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức pháp luật cho đội ngũ thanh, thiếu niên.
4. Triển khai các hoạt động hướng nghiệp, liên kết với Trung tâm dạy nghề huyện đào tạo cho đội ngũ thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho các thanh niên chưa có việc làm nhằm huy động tài năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ vào công cuộc xây dựng, phát triển địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung.
HƯƠNG TRẦM