Thực hiện Chỉ thị số 01/CT- VKSTC ngày 02-01-2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của ngành kiểm sát nhân dân năm 2013 và Kế hoạch số 13/ KH-VKS-VP ngày 24-01-2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yênvề công tác kiểm sát năm 2013, từ đầu năm đến nay, Viện KSND hai cấp tỉnh và huyện ở Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, phối hợp chặt chẽ với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Kết quả đạt được như sau:
Viện KSND tỉnh Phú Yên đã ban hành Công văn số 173/VKS-P3 ngày 20-02-2013 hướng dẫn các Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự Viện KSND tỉnh và các Viện KSND huyện, thị xã, thành phố triển khai việc phối hợp TAND cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa trong năm 2013; ban hành Công văn số 368/VKS-P3 ngày 16-4-2013 đề nghị các Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử án hình sự Viện KSND tỉnh và các Viện KSND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, tổ chức các phiên tòa sơ, phúc thẩm để rút kinh nghiệm, đảm bảo thực hiện nghiêm túc chỉ tiêu mỗi Kiểm sát viên làm công tác THQCT và KSĐT- KSXXHS tham gia ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm.
Tính đến nay, Viện KSND tỉnh Phú Yên và các Viện KSND huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức được 35 phiên tòa rút kinh nghiệm, bao gồm: cấp tỉnh 10 vụ, cấp huyện 25 vụ. Các đơn vị tổ chức phiên tòa xét xử vụ án hình sự rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên đều thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của BLTTHS và các văn bản pháp luật có liên quan. VKS và Tòa án đã có sự phối hợp chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức phiên tòa, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Nhiều đơn vị đã phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa xét xử lưu động … Một số đơn vị đã mời các Thẩm phán TAND cùng cấp tham gia rút kinh nghiệm. Kết quả các phiên tòa xét xử đều bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh.
Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa rút kinh nghiêm đã chú trọng việc kiểm tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát xét xử án hình sự theo đúng Quyết định số 07/VKSTC-V3 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại phiên tòa, các Kiểm sát viên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý, là người đại diện VKSND thay mặt Nhà nước làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Việc xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên được chủ động, thực hiện theo đúng quy định của BLTTHS. Kiểm sát viên đã chuẩn bị đề cương xét hỏi nên chủ động tham gia xét hỏi, chuẩn bị dự thảo luận tội, bài phát biểu quan điểm giải quyết vụ án của VKS theo đúng mẫu của VKSNDTC, bảo đảm lời luận tội, kết luận của KSV trên cơ sở đánh giá tổng hợp các chứng cứ trong hồ sơ vụ án và các chứng cứ đã kiểm tra, đánh giá tại phiên tòa...
Kiểm sát viên cũng đã tranh luận, đối đáp tất cả những ý kiến có liên quan đến vụ án mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đưa ra, phương pháp tranh luận phù hợp, phong cách, thái độ bình tĩnh, tự tin…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự nhằm rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên cũng còn những tồn tại, thiếu sót: Chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa nói chung, việc xét hỏi, tranh luận của KSV nói riêng tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn có một số KSV chưa chủ động tham gia xét hỏi để bảo vệ Cáo trạng khi bị cáo phản cung, không nhận tội. Một số vụ, việc xét hỏi còn dài dòng, trùng lắp với câu hỏi của HĐXX; nội dung luận tội còn lặp lại nội dung cáo trạng. Thái độ tranh luận, đối đáp với người bào chữa có trường hợp thiếu bình tĩnh…
Trên cơ sở những kết quả đạt được qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên từ đầu năm 2013 đến nay, để đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ của cả năm 2013, VKSND tỉnh Phú Yên đề nghị các VKSND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Tăng cường công tác phối hợp với Tòa án tổ chức xét xử các vụ án hình sự rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của Kiểm sát viên đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn; đảm bảo đủ về số lượng theo hệ thống chỉ tiêu của VKSNDTC và VKSND tỉnh Phú Yên: mỗi Kiểm sát viên làm công tác THQCT và KSĐT- KSXXHS tham gia ít nhất 01 phiên tòa rút kinh nghiệm/năm ( kể cả KSV là lãnh đạo phụ trách hình sự ).
- Các vụ án được chọn tổ chức đưa ra xét xử rút kinh nghiệm cần bảo đảm điều kiện không quá khó, cũng không dễ quá, ưu tiên chọn vụ án có Luật sư tham gia; nếu không có Luật sư tham gia cần chọn vụ án có nhiều bị cáo, người tham gia tố tụng để Kiểm sát viên có điều kiện thể hiện kỹ năng tranh tụng và có đánh giá đích thực kết quả kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên.
Trước khi tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm, đề nghị các đơn vị báo cáo VKSND tỉnh ( qua Phòng 3 ) về tên vụ án, thời gian, địa điểm mở phiên tòa, KSV thực hành quyền công tố, tên luật sư ( nếu có ) và gửi kèm 01 bản cáo trạng.
- Việc báo cáo kết quả tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm cần nêu rõ thành phần tham dự phiên tòa; nội dung vụ án; diễn biến; kết quả phiên tòa; những ưu điểm, khuyết điểm của KSV và các Phiếu nhận xét ( theo mẫu) gửi về VKSND tỉnh đúng quy định.
HỒ NGỌC THẢO