Tại hội nghị tổng kết 2013 hôm nay (16/1), Phó Viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho biết năm qua đã truy tố 6 án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Ngăn chặn và khắc phục sự lạm quyền, sự xâm phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Ảnh: VietNamNet |
Các vụ án này đều được Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ trực tiếp chỉ đạo, Tòa án TP Hà Nội và TP.HCM đã xử sơ thẩm 4 vụ Vũ Quốc Hảo, Nguyễn Thanh Huyền, Dương Chí Dũng và Dương Tự Trọng.
“Đã tuyên phạt các mức án nghiêm minh, tạo sự chuyển biến bước đầu về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng”, ông Trần Công Phàn cho biết.
Liên quan đến loại án này, Phó Viện trưởng cho biết ngành đã triển khai các biện pháp như kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố đối với những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm tham nhũng để kiến nghị các biện pháp phòng ngừa; kiểm sát chặt chẽ việc áp dụng biện pháp giảm nhẹ đối với án tham nhũng.
“Nghiêm túc báo cáo cấp trên về những vụ án VKS truy tố và đề nghị cho bị cáo hưởng án treo; kháng nghị các bản án xử treo hoặc dưới mức đề nghị của VKS”, ông Trần Công Phàn nói.
Báo cáo của VKS cũng chỉ ra công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp ngày càng chặt chẽ hơn, nhất là trong giải quyết các vụ án trọng điểm, phức tạp, án xâm phạm an ninh quốc gia, án kinh tế chức vụ tham nhũng.
VKS đã phối hợp với cơ quan điều tra, tòa án xác định 5847 vụ án trọng điểm, giải quyết dứt điểm nhiều vụ án nghiêm trọng phức tạp được dư luận quan tâm như vụ giết người và chống người thi hành công vụ ở xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng; vụ Lê Bá Mai giết người ở Bình Phước; vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ở công ty cho thuê tài chính II (ALCII); vụ tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ở Vinalines; vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho người khác trốn ra nước ngoài...
Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hải Phong cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm 2014 là xây dựng đề án "Cơ chế, chính sách đấu tranh, xử lý có hiệu quả các vụ án tham nhũng, đặc biệt các tội tham ô, hối lộ", báo cáo Quốc hội, Chủ tịch nước và Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ tiến độ, kết quả giải quyết các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ghi nhận những kết quả công tác của ngành kiểm sát trong năm 2013.
“Đáng chú ý là nhiều vụ án lớn đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình ủng hộ, ghi nhận sự cống hiến của các cơ quan tư pháp có ngành kiểm sát nhân dân. Những kết quả công tác của ngành đã góp phần quan trọng bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và nhân dân, bảo vệ pháp chế XHCN, giữ vững an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội”, ông Trương Tấn Sang nói.
Chủ tịch nước cũng lưu ý về những hạn chế khuyết điểm: vẫn còn một số trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm, một số vụ án còn kéo dài, xử lý chưa nghiêm, chất lượng tranh tụng của các kiểm sát viên tại tòa chưa đáp ứng yêu cầu, còn tồn đọng nhiều đơn thư khiếu nại tố cáo, vẫn có cán bộ vi phạm bị xử lý…
Ông Trương Tấn Sang nhắc nhở cán bộ ngành kiểm sát tăng cường trách nhiệm công tố trong điều tra, kiểm sát việc xử lý tin báo tố giác tội phạm, loại trừ oan sai và lọt tội, ngăn chặn và khắc phục sự lạm quyền, sự xâm phạm các quyền dân chủ của nhân dân…
Nguồn: VietNamNet.