Ngày 31/5/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị giao ban công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, công tác kháng nghị và công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm trong ngành Kiểm sát nhân dân. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao và đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đồng chủ trì Hội nghị.
Đại biểu tham dự Hội nghị
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao cùng toàn thể công chức Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình (Vụ 9); Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật (Vụ 10) và Vụ kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Vụ 12) thuộc VKSND tối cao.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Các điểm cầu trực tuyến tham dự Hội nghị
Báo cáo kết quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động thời gian từ ngày 01/12/2023 đến ngày 30/4/2024 tại Hội nghị cho thấy, các khiếu kiện hành chính ngày càng phức tạp, tăng so với cùng kỳ năm 2023 và tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, ở những địa phương đang có nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế;.... với nội dung chủ yếu liên quan đến quyết định hành chính, hành vi hành chính trong công tác quản lý nhà nước về đất đai như: Cấp, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất; quyết định cưỡng chế thu hồi đất; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; cấp, thu hồi giấy phép đầu tư có sử dụng đất;....
Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê cho thấy, các vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023 với tính chất phức tạp, nổi lên là các tranh chấp thành viên công ty, tranh chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh, tranh chấp hợp đồng xây dựng, sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng tín dụng;... tranh chấp giữa cá nhân người lao động với người sử dụng lao động trong giao kết, thực hiện hợp đồng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải, bồi thường các khoản trợ cấp nghỉ việc; người sử dụng lao động yêu cầu bồi thường chi phí đào tạo;...
Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo, điều hành tham luận tại Hội nghị
Theo Báo cáo, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết 7.258 vụ án hành chính sơ thẩm; 15.181 vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động theo thủ tục sơ thẩm. Về kết quả công tác, Vụ 10 VKSND tối cao đã hoàn thành 100% nhiệm vụ 5 tháng đầu năm 2024; tỷ lệ giải quyết án giám đốc thẩm đạt 68,9% (tăng 6,1% so với cùng kỳ); tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm được Tòa án chấp nhận đạt 100%; tỷ lệ giải quyết đơn đạt 68,9%, (vượt 8,9% chỉ tiêu Quốc hội và Ngành giao); ban hành 02 thông báo rút kinh nghiệm; rà soát, phân loại xử lý, giải quyết 100% đơn, văn bản đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, ưu tiên giải quyết những đơn sắp hết thời hiệu nhằm giảm số đơn tồn, phản ảnh thực chất tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Đồng chí Lê Tiến, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 10 VKSND tối cao báo cáo tại Hội nghị
Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, kinh doanh, thương mại, lao động của các Viện kiểm sát cấp dưới đã đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ; phát hiện kịp thời vi phạm và ban hành nhiều kiến nghị, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ kiến nghị được Tòa án chấp nhận cao (đạt 93,5%), riêng kiến nghị án hành chính đạt 100%; tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án chấp nhận vượt, đạt tỷ lệ cao (đạt 89,74%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm ngang cấp chiếm 71,4% trong tổng số kháng nghị của Viện kiểm sát; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động được Tòa án chấp nhận vượt, đạt tỷ lệ cao (đạt 85%), riêng kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính đạt 100%; số vụ việc Tòa án mở phiên tòa, phiên họp có Viện kiểm sát tham gia đạt tỷ lệ cao (đạt 94,9%); kiểm sát 100% bản án, quyết định của Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Tiến Sơn, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 9 VKSND tối cao báo cáo tại Hội nghị
Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân, gia đình; qua báo cáo tại Hội nghị cho thấy, các đơn vị đều chủ động triển khai, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự theo Nghị quyết của Quốc hội và của Ngành; tăng cường công tác kháng nghị đối với bản án, quyết định ngang cấp và kháng nghị đối với bản án, quyết định cấp huyện, chú trọng về chất lượng kháng nghị, hạn chế số vụ kháng nghị bị cấp trên rút hoặc không được Tòa án chấp nhận. Chất lượng kháng nghị của toàn ngành đã có chuyển biến tích cực, tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được chấp nhận cao (92%), vượt chỉ tiêu của Quốc hội (>70%, vượt 22%).
Quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát các cấp đã chủ động tổng hợp các vi phạm chưa đến mức kháng nghị của Tòa án, cơ quan hữu quan để ban hành kiến nghị, phòng ngừa vi phạm, góp phần nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án và công tác quản lý điều hành, phối hợp của cơ quan hữu quan. Chú trọng kiến nghị phòng ngừa, khắc phục đối với những thiếu sót, vi phạm của các cơ quan, tổ chức trong quản lý nhà nước về đất đai và trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát. Công tác kiểm tra, hướng dẫn, trả lời thỉnh thị nghiệp vụ cho cấp huyện đã được quan tâm chỉ đạo, đảm bảo chất lượng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, từ đó đã giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên nắm vững kiến thức pháp luật, kỹ năng phát hiện và xử lý các vi phạm của cơ quan, Tòa án; đồng thời hạn chế được những tồn tại, thiếu sót trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát.
Đồng chí Trần Hưng Bình, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 12 VKSND tối cao báo cáo tại Hội nghị
Báo cáo kết quả công tác kiểm sát giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh thương mại, lao động; dân sự, hôn nhân và gia đình tại Hội nghị, đồng chí Trần Hưng Bình, Kiểm sát viên VKSND tối cao, Vụ trưởng Vụ 12 VKSND tối cao cho biết, nhằm giảm số lượng đơn tồn, tăng tỷ lệ giải quyết đơn, giải quyết án, đã thực hiện việc phân bổ đơn giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự, hôn nhân và gia đình (loại đơn chiếm số lượng nhiều nhất) cho các Viện nghiệp vụ và Văn phòng cùng tham gia giải quyết để tăng tỷ lệ giải quyết đơn.
Bên cạnh đó, việc giải quyết hồ sơ qua nguồn đơn luôn đúng thời hạn luật định và đảm bảo chất lượng; đã bám sát Chỉ thị tăng cường công tác kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao, chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao số lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của VKSND được Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử chấp nhận kháng nghị cao hơn yêu cầu trong Nghị quyết 96 của Quốc hội.
Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, tại Hội nghị đã có 06 báo cáo tham luận của các đơn vị: Vụ 14 VKSND tối cao; các VKSND cấp cao; VKSND TP. Hồ chí Minh và TP. Hà Nội. Nội dung tham luận tập trung đánh giá các kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp thực hiện tốt khâu công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm.
Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của các đơn vị trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, công tác kháng nghị và công tác giải quyết đơn giám đốc thẩm, tái thẩm thời gian qua.
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục một số tồn tại, hạn chế, trong thời gian tới, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu, toàn Ngành thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong lĩnh vực công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự theo quy định; xác định khâu công tác kiểm sát việc giải quyết án hành chính, dân sự là nhiệm vụ trọng tâm đột phá năm 2024 và các năm tiếp theo; thực hiện nghiêm việc yêu cầu Viện trưởng VKSND các cấp trực tiếp chịu trách nhiệm trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự;…
Viện kiểm sát các cấp đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác chuyên môn, nghiệp vụ kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự; chủ động rà soát khắc phục ngay những hạn chế, yếu kém, những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả khâu công tác này nhằm phấn đấu đạt, vượt chỉ tiêu Quốc hội và của Ngành.
Nguồn: kiemsat.vn