Quy trình xử lý đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện theo Điều 14 Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (Ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao- Gọi tắt là Quy chế số 51).
Theo đó, đây là loại đơn đề nghị mà pháp luật về tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính không quy định bắt buộc phải xem xét, giải quyết. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 9 Luật tiếp công dân năm 2013 thì trước khi từ chối tiếp công dân, các cơ quan nhà nước phải kiểm tra, thông báo bằng văn bản kết quả kiểm tra những vụ, việc khiếu nại, tố cáo đã giải quyết hết thẩm quyền, có hiệu lực pháp luật nhưng công dân vẫn có đơn đề nghị xem xét lại. Do đó, tại Điều 14 Quy chế số 51 đã quy định việc tiếp nhận để xử lý hoặc xem xét trả lời đối với loại đơn này, nếu đủ điều kiện, nhưng không được coi là làm phát sinh thêm một cấp giải quyết mới. Đây chỉ là một thủ tục đặc biệt để kiểm tra, xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã có hiệu lực pháp luật; mục đích là để đảm bảo tính khách quan, thận trọng, đồng thời nâng cao trách nhiệm của ngành KSND đối với công dân, cơ quan, tổ chức có đơn, đảm bảo quyền dân chủ, quyền con người.
Đơn đề nghị kiểm tra lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật của Viện kiểm sát chỉ được xem xét kiểm tra khi có một trong những điều kiện sau: đơn bức xúc, kéo dài; đơn về những vụ việc có dấu hiệu oan, sai; đơn có sự chỉ đạo xem xét của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đơn được các cơ quan báo chí và dư luận quan tâm; đơn có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở trung ương hoặc địa phương.
Sau khi xác định đơn đã đáp ứng điều kiện và thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát cấp mình, đơn vị Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình quyết định việc kiểm tra; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra nhưng chưa đáp ứng điều kiện, thì lưu đơn để theo dõi, quản lý; nếu đơn thuộc thẩm quyền kiểm tra của Viện kiểm sát khác, thì chuyển Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định tại khoản 2 Điều này, đồng thời báo tin cho người gửi đơn biết.
Tuấn Minh – Thùy Linh