Vừa qua, TAND TP Tuy Hoà đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp yêu cầu trả tiền trợ cấp thôi việc giữa nguyên đơn ông Đặng Hùng C, sinh năm 1971, trú thôn Phước Bình Nam, xã Hòa Thành, tx Đông Hòa và bị đơn Công ty CP Điện máy Phú Long, địa chỉ tại TP Tuy Hòa.
Theo hồ sơ vụ án, ông Đặng Hùng C bắt đầu làm việc tại Cửa hàng Điện máy Phú Long từ tháng 5/2003. Đến ngày 01/01/2008, Cửa hàng Điện máy Phú Long ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn với ông C, theo đó chức vụ của ông C là Cửa hàng trưởng phụ trách kinh doanh truyền hình số vệ tinh K+. Ngày 14/3/2023, Công ty ra Quyết định ngừng kinh doanh lĩnh vực truyền hình K+ và điều động ông C sang làm nhân viên phòng kỹ thuật và xây lắp công trình. Thấy việc điều động của Công ty không thoả đáng, sắp xếp công việc không đúng vị trí việc làm theo hợp đồng lao động đã ký và không phù hợp với tình hình sức khỏe vì ông C đã lớn tuổi, thêm vào đó ông C bị thương tật vĩnh viễn 17% do gãy đốt ngón tay do bị tai nạn lao động khi thi công công trình viễn thông vào năm 2006, nên ngày 21/3/2023 ông C có đơn xin thôi việc gửi Công ty.
Ngày 24/3/2023, Giám đốc Công ty đã ra Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động đối với ông C kể từ ngày 01/4/2023. Tuy nhiên, từ đó đến nay Công ty không chi trả trợ cấp thôi việc cho ông C theo quy định pháp luật nên ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Xét vụ án trên thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia theo quy định tại khoản 2 Điều 21 BLTTDS, nên kể từ khi TAND TP Tuy Hoà thụ lý, Lãnh đạo Viện KSND TP Tuy Hoà đã phân công Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết vụ án theo quy định. Qua nghiên cứu đánh giá chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, Đại diện Viện KSND TP Tuy Hoà đã phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên toà và quan điểm về việc giải quyết vụ án.
Theo đó, nhận thấy việc Công ty CP Điện máy Phú Long ra Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động đối với ông C kể từ ngày 01/4/2023 là thuộc trường hợp hai bên thoả thuận chấm dứt Hợp đồng lao động, quy định tại khoản 3 Điều 34 Bộ luật Lao động. Theo Điều 46 Bộ luật Lao động về trợ cấp thôi việc và tại Điều 8 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động, khi chấm dứt Hợp đồng lao động với người lao động, người sử dụng lao động phải có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp thôi việc tính theo số năm công tác và mức lương người lao động được hưởng. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo Hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Nguyên đơn ông C làm việc tại Công ty CP Điện máy Phú Long từ tháng 5/2003 đến hết tháng 3/2023 là 19 năm 11 tháng, đóng bảo hiểm thất nghiệp từ tháng 01/2011 đến tháng 3/2023 là 12 năm 3 tháng, nên thời gian tính trợ cấp thôi việc là 07 năm 8 tháng, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là 6.300.000 đồng. Do đó, yêu cầu của ông C về khoản tiền trợ cấp thôi việc là 25.200.000 đồng là có căn cứ, nên đại diện VKSND TP Tuy Hòa tại phiên tòa đã đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn Công ty CP Điện máy Phú Long phải trả cho nguyên đơn ông C số tiền 25.200.000 đồng về khoản tiền trợ cấp thôi việc.
Hội đồng xét xử đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đặng Hùng C như đề nghị Viện KSND TP Tuy Hoà./.
Ngọc Duyên