Thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tài chính công và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, Phú Yên cũng rất quan tâm thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn.
Các thủ tục hành chính khi đã phân cấp được niêm yết cụ thể tại bộ phận một cửa.
Trong ảnh: Cán bộ tổ “một cửa” xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) niêm yết
các thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng tra cứu - Ảnh: P.NHÃ
KHÔNG CÒN CHỒNG CHÉO CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ
Một trong những nội dung của cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được tỉnh triển khai và đạt nhiều kết quả là công tác rà soát vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, biên chế của UBND và các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Theo đó, cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Nhà nước. UBND tỉnh đã kiện toàn, sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh từ 24 cơ quan giảm còn 18; các cơ quan chuyên môn cấp huyện từ 14 giảm còn 12. Đối với ba huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa có thêm Phòng Dân tộc thuộc UBND huyện. Đồng thời ban hành ba quyết định quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; thành lập Ban tiếp công dân. Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của các đơn vị sự nghiệp công lập các cấp đều thực hiện đúng quy định của Trung ương và của tỉnh, góp phần tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi đến giao dịch công tác, hạn chế tiêu cực, nhũng nhiễu trong giải quyết thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tứ, Chủ tịch UBND TP Tuy Hòa, thời gian qua, thành phố đã kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền các cấp, các cơ quan chuyên môn, giảm số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động, có sự phân công rõ ràng; phân định rõ trách nhiệm giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính gắn với đổi mới phương thức, lế lối làm việc, đảm bảo tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị, địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và biên chế được giao của Bộ Nội vụ, UBND tỉnh đã kịp thời ra quyết định giao biên chế cho các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Đồng thời để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực và hoạt động của từng cơ quan, đơn vị, UBND các cấp đều xây dựng quy chế làm việc theo các nội dung hướng dẫn của Chính phủ ban hành và chỉ đạo thực hiện theo các nội dung quy chế đã ban hành. Riêng các thành viên của UBND tỉnh đều đảm bảo trình độ, năng lực, đáp ứng yêu cầu công tác.
CHÚ TRỌNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Công tác phân cấp quản lý cho các sở, ngành và UBND cấp huyện được tỉnh chú trọng thực hiện. Cụ thể, các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về phân cấp quản lý theo tinh thần Nghị quyết 8 của Chính phủ và các quy định của pháp luật hiện hành trên các lĩnh vực: quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, ngân sách Nhà nước, đất đai, tài nguyên, doanh nghiệp nhà nước, hoạt động sự nghiệp dịch vụ công, tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức. Từ năm 2011 đến nay, HĐND và UBND tỉnh tiếp tục ban hành thêm bốn văn bản quy phạm pháp luật mới về mở rộng phân cấp trên các lĩnh vực tổ chức Nhà nước, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng để giao quyền chủ động hơn nữa cho các đơn vị, địa phương. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi, giảm thời gian đi lại cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giải quyết các thủ tục hành chính; các cơ quan thẩm quyền dễ dàng kiểm tra cơ sở, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết công tác của từng cấp để có hướng khắc phục và giúp cơ sở nâng cao công tác cải cách hành chính, nhất là giải quyết thủ tục hành chính đã được phân cấp.
Theo đồng chí Phạm Đình Cự, Chủ tịch UBND tỉnh, hàng năm, theo phân cấp chức năng quản lý nhà nước, các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch kiểm tra các cơ quan, địa phương về hoạt động quản lý nhà nước thuộc phạm vi ngành phụ trách. UBND các huyện đã đẩy mạnh việc phân cấp, quy hoạch, bố trí sắp xếp lại cán bộ, công chức theo chức danh, nhiệm vụ được giao, tập trung chỉ đạo cải tiến lề lối làm việc, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Đồng thời các huyện còn tổ chức đối thoại doanh nghiệp, thường xuyên tiếp công dân và tổ chức làm việc với UBND các xã, phường, thị trấn để nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc để đề ra các giải pháp tháo gỡ. Ngoài ra, trong cải cách tổ chức bộ máy hành chính, còn cần phải cải cách và triển khai trên diện rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công.
Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo triển khai mở rộng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Kết quả đến nay, có 1/7 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 11/127 đơn vị trực thuộc sở, ngành tỉnh tự đảm bảo kinh phí hoạt động; 6/7 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh, 116/127 đơn vị trực thuộc sở, ngành tỉnh và 27/27 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện tự đảm bảo một phần kinh phí hoạt động.
Ông Hoàng Tấn Phương, người dân Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho biết: “Việc phân cấp để giải quyết công việc cho công dân của tỉnh thời gian qua đã làm cho người dân rất hài lòng. Tùy theo từng nhu cầu làm thủ tục mà chúng tôi được hướng dẫn cụ thể, đến là được giải quyết ngay chứ không còn phiền hà như trước đây”.
Nhìn chung, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện sau khi sắp xếp theo Nghị định 13, 14 của Chính phủ về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã không còn chồng chéo như trước đây. Nhờ vậy, hoạt động ngày càng có hiệu quả, tham mưu kịp thời trên các lĩnh vực chuyên môn về quản lý nhà nước, giúp UBND tỉnh, huyện triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự |
Nguồn: Báo Phú Yên Online