Thực hiện Chỉ thị 48 –CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, trong thời gian qua từ năm 2011 đến năm 2013, tình hình vi phạm và tội phạm xảy ra trên địa bàn thị xã tương đối ổn định, tập trung là các loại tội phạm về kinh tế và tội phạm về trật tự an toàn xã hội. Cụ thể, tội phạm về kinh tế xảy ra 114 vụ (riêng tội trộm cắp tài sản 90 vụ); tội phạm về trật tự an toàn xã hội xảy ra 163 vụ (riêng về tai nạn giao thông 96 vụ) trong đó những tội phạm có tính chất rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn diễn ra như: cướp tài sản (05 vụ), cướp giật tài sản (16 vụ) và giết người (06 vụ). Những tội phạm xâm phạm đến danh dự nhân phẩm của phụ nữ đặc biệt là trẻ em vẫn còn xảy ra như hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em (mỗi tội đều xảy ra 01 vụ). Đấu tranh kịp thời ngay từ khi tội phạm có dấu hiệu xuất hiện như các tội an ninh chính trị, ma túy,…kiên quyết không để xảy ra các tội phạm tham nhũng, chức vụ và xâm phạm hoạt động tư pháp trong thời gian qua.
Xét xử lưu động vụ án giết người ở xã Xuân Phương - TX Sông Cầu.
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, thời gian qua, Viện KSND thị xã Sông Cầu đã tiếp tục triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, quy định của pháp lệnh và các văn bản khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ về nghiệp vụ của ngành và đơn vị, triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Nghị quyết số 37 ngày 23/11/2012 về công tác phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát, Tòa án và công tác Thi hành án năm 2013. Đồng thời đơn vị cũng đã tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí Thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 13-NQ/TU ngày 09/01/2013 của Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu về nhiệm vụ đảm bảo án ninh trật tự năm 2013, Nghị quyết số 08/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của Hội đồng nhân dân thị xã Sông Cầu về tực hiện Đề án đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thị xã Sông Cầu, giai đoạn 2013 -2016, gắn với chức năng, nhiệm vụ của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đã góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương trong thời gian qua.
Đơn vị đã thực hiện phân công Kiểm sát viên trực 24/24 để kịp thời tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường, mở hòm thư tin báo tố giác trước cổng cơ quan để thuận tiện cho tất cả những người dân đến gửi đơn tố giác về tội phạm; chuyển ngay cho CQĐT để giải quyết theo thẩm quyền. Đã kiểm sát 380 tin báo, tố giác về tội phạm, đã kiểm sát việc giải quyết đối với 368 tin báo, tố giác (chiếm tỷ lệ 97%) trong đó khởi tố đối với 207 tin (chiếm tỷ lệ 56%). Kịp thời ban hành 03 kiến nghị đối với vi phạm thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của CQĐT, tiến hành kiểm sát trực tiếp 02 cuộc tại CQĐT, ban hành kết luận, kiến nghị vi phạm trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đảm bảo mọi tin báo, tố giác được tiếp nhận, giải quyết theo quy định.
Thực hiện chủ trương “gắn công tố với hoạt động điều tra”, đơn vị đã kiểm sát ngay từ đầu việc khởi tố vụ án, bị can để kịp thời phát hiện những thiếu sót, tồn tại và vi phạm của CQĐT; kiên quyết không phê chuẩn và yêu cầu bổ sung chứng cứ đối với những hồ sơ chưa đầy đủ tài liệu, chứng cứ. Đơn vị đã kiểm sát CQĐT khởi tố đối với 194 vụ/259 bị can đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật, đã giải quyết truy tố đối với 136 vụ/248 bị can, thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với 137 vụ/246 bị can, không có trường hợp vụ án được khởi tố, điều tra, truy tố Tòa tuyên không phạm tội hoặc Tòa án đình chỉ vì không phạm tội. Thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật trong việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ và kiểm sát việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, không có trường hợp nào tiếp tục phạm tội trong thời gian được tại ngoại, trốn hoặc chết trong thời gian bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam. Để phục vụ tình hình chính trị của địa phương, căn cứ vào tình hình tội phạm diễn ra, đơn vị đã chủ động tổ chức họp liên ngành chọn 09 vụ án là trọng điểm theo Thông tư 01 và phối hợp với Tòa án đã đưa 35 vụ đi xét xử lưu động trên một số địa bàn phức tạp, tội phạm xảy ra nhiều để qua đó nhằm răn đe, giáo dục đối với bị cáo nói riêng và tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân nói chung nhất là các đối tượng thanh thiếu niên dễ phạm tội để mỗi người dân luôn sống và tuân theo pháp luật, thực hiện theo đúng pháp luật.
Kiểm sát chặt chẽ công tác thi hành án hình sự đặc biệt là công tác quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ tại các xã, phường trên địa bàn. Hằng năm đều chọn một số xã, phường có nhiều bị án đang chấp hành án tại địa phương để kiểm sát chặt công tác quản lý, giáo dục các đối tượng qua đó kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót để kiến nghị các cơ quan liên quan trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, cụ thể đã kiểm sát trực tiếp đối với 04 xã, phường và đã ban hành 09 kết luận, 08 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.
Xây dựng mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp trên địa bàn đặc biệt là Công an và Tòa án trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong công tác điều tra, truy tố và xét xử giữa 03 cơ quan Công an, Viện kiểm sát và Tòa án luôn có sự phối hợp chặt chẽ để thực hiện đúng các quy định của pháp luật, không để oan sai xảy ra. Đối với một số trường hợp, vụ án có nhiều quan điểm giải quyết hay có tính chất phức tạp liên ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án đã tổ chức họp liên ngành để có biện pháp, đường lối giải quyết kịp thời, đúng các quy định của pháp luật, chủ động báo cáo xin ý kiến của cấp trên như các vụ: Đua xe trái phép (05 bị can), Giao cấu với trẻ em (Võ Thanh Tâm và Trần Đặng Nguyên), vụ Bùi Thị Bé về tội Cố ý gây thương tích,… Tháng 7/2013, đã phối hợp với CQĐT xây dựng và ký kết quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, hạn chế tình trạng quá hạn giải quyết tố giác về tội phạm đã tiếp nhận.
Qua thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, Viện KSND TX Sông Cầu có những giải pháp, kiến nghị sau:
Một là đối với các cơ quan tư pháp:
+ Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạmtrong tình hình mới, thực hiện đúng các quy định của pháp luật gắn với quyền hạn, chức năng từng ngành; nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử các loại tội phạm công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm.
+ Ba ngành Công an, Kiểm sát và Tòa án trong thời gian đến cần nghiêm túc khắc phục những tồn tại, thiếu sót trong công tác điều tra, truy tố và xét xử để phối hợp chặt chẽ, điều tra nhanh, truy tố kịp thời và xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; đồng thời tiếp tục chọn các vụ án điểm và một số vụ án đưa đi xét xử lưu động trên những địa bàn có tình hình tội phạm diễn biến phức tạp để phục vụ tình hình chính trị địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Hai là đối với các cấp, các ngành:
+ Các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, trên từng địa bàn cần quan tâm lãnh đạo, có phương thức chỉ đạo liên tục, kịp thời.
+ Về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương cần thường xuyên đánh giá lại hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để tìm ra những biện pháp thiết thực trong công tác phòng, chống tội phạm, xóa các tụ điểm phức tạp…
+ Cần xác định việc phòng, chống tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tội phạm xâm phạm trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên cần chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống đặc biệt trong học sinh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên…cần có sự phối hợp tích cực hơn, cùng tham gia tuyên truyền liên quan đến lĩnh vực, chuyên môn của cơ quan, tổ chức.
+ Công an cấp xã cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật, chuyển kịp thời các tin báo, tố giác về tội phạm đã tiếp nhận đến CQĐT để tiến hành xác minh điều tra, xử lý.
Đặng Thị Minh Liễu
Viện trưởng Viện KSND thị xã Sông Cầu