Thực hiện Nghị định 110/2004 và Nghị định 09/2010 của Chính phủ về công tác văn thư, thời gian qua, công tác văn thư ở Phú Yên đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về công tác văn thư trong tỉnh.
Cán bộ Sở Nội vụ hướng dẫn công tác văn thư, quản lý công văn đến, đi
cho công chức ở huyện Tây Hòa - Ảnh: P.NHÃ
TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG NHẬN THỨC
Thời gian qua, bộ máy làm công tác văn thư trên địa bàn tỉnh ngày càng được kiện toàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ văn thư được quan tâm nhiều hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về trình độ công chức, viên chức và nhân viên làm nhiệm vụ này của tỉnh hiện nay. Một số cơ quan, đơn vị bố trí công chức, viên chức làm công tác văn thư chưa đúng chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đã qua lớp đào tạo bồi dưỡng, nghiệp vụ theo quy định của Cục Văn thư- Lưu trữ Nhà nước. Qua đó, kỹ năng tham mưu, xử lý công việc của công chức, viên chức và nhân viên được nâng lên rõ rệt. |
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Cự, việc triển khai quán triệt, thực hiện Nghị định 110/2004 và Nghị định 09/2010 của Chính phủ và các văn bản của Bộ Nội vụ và Cục Văn thư - Lưu trữ Nhà nước đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức các ngành, các cấp trong tỉnh. Từ đó có các biện pháp chỉ đạo, quản lý và thực hiện tốt các nội dung về công tác văn thư, lưu trữ tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản của Trung ương và địa phương đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về công tác văn thư; vai trò của công tác văn thư được lãnh đạo, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương nhận thức đúng mức hơn.
Ông Nguyễn Chí Phương, Chủ tịch UBND xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), cho biết: “Nguồn nhân lực này của xã thời gian qua được chú trọng, là những người có trình độ chuyên môn phù hợp, cơ sở vật chất, nhất là máy móc được bố trí đầy đủ. Theo đó, công chức có tinh thần trách nhiệm để thực hiện công tác văn thư và được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ. Chính vì vậy, ý thức lưu trữ, công tác văn thư được nâng lên rõ rệt, tài liệu được lưu trữ rất khoa học, dễ dàng tìm kiếm khi cần”.
Để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của Trung ương về công tác này, UBND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Sở Nội vụ đã tham mưu, ban hành hàng chục văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về công tác văn thư cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác văn thư, lưu trữ. Đồng thời, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch và tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra về công tác nội vụ các cơ quan, tổ chức, trong đó có nội dung công tác văn thư. Qua kiểm tra, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác văn thư, triển khai, quán triệt kịp thời các văn bản của Nhà nước về công tác này đúng quy định. Từ đó, công tác văn thư đã từng bước đi vào nề nếp, ngày càng được củng cố, phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành và thực thi công vụ của cơ quan công quyền các cấp.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra công tác cải cách hành chính
của huyện Đông Hòa, trong đó, có công tác văn thư - Ảnh: P.NHÃ
CHÚ TRỌNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn thư cũng được chú trọng, góp phần đảm bảo tính chính xác, tăng cường tốc độ và hiệu quả xử lý công việc.
Ông Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Hòa An (huyện Phú Hòa), cho biết: Bên cạnh việc sửa đổi, bổ sung ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận “một cửa”, công tác văn thư ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. UBND xã cũng rất chú trọng đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm ở bộ phận này. Theo đó, hàng năm, Đảng ủy, UBND xã đều xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đáp ứng đủ chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị. Còn theo anh Lê Hoàng Linh, Trưởng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã Bình Kiến: “Công tác văn thư được xem là một khâu rất quan trọng nên dù áp lực công việc có nhiều thì chúng tôi cũng đảm bảo tốt khâu văn thư, lưu trữ. Được tập huấn và địa phương hỗ trợ làm ngoài giờ nên trách nhiệm của công chức văn thư luôn được nâng cao”.
Theo bà Đặng Thị Nhung, Phó chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh, hàng năm, Sở Nội vụ chỉ đạo chi cục xây dựng kế hoạch kiểm tra và thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác văn thư, lưu trữ cho các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng quản lý. Cụ thể, chi cục kiểm tra bình quân 15 cơ quan, tổ chức, 10 đơn vị trực thuộc các sở, ban, ngành tỉnh và một số xã, phường, thị trấn thuộc UBND cấp huyện. Trong những năm qua, tỉnh đã tổ chức 10 lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ. Sở Nội vụ trực tiếp hướng dẫn kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho công chức, viên chức làm công tác văn thư, lưu trữ một số sở, ngành tỉnh và các huyện, xã.
Hiện Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh đã ứng dụng phần mềm Idesk trong hệ thống quản lý văn bản trên máy vi tính do Sở TT-TT triển khai. Phần mềm này cũng được dùng chung cho các sở, ban, ngành tỉnh. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương đang ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác văn thư bằng hệ thống phần mềm TDOFICE quản lý văn bản đi, đến và chỉ đạo điều hành công việc. Điều này đảm bảo các hoạt động ngày càng thông suốt. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ được chú trọng, công chức, viên chức văn thư đã phát huy tính chủ động trong công tác, làm tốt chức năng tham mưu cho lãnh đạo các cấp tổ chức triển khai, áp dụng vào thực tế công tác hàng ngày tại cơ quan, tổ chức.
Nguồn: Báo Phú Yên Online