Ngày 19/10, tại buổi họp báo công bố chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, kỳ họp sẽ kéo dài 31 ngày làm việc (khai mạc vào 20/10 và dự kiến bế mạc vào 28/11).
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại buổi họp báo
Cụ thể, Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét thông qua 18 luật, 16 nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật; nhằm tiếp tục triển khai thi hành và thể chế hóa Hiến pháp pháp 2013. Đây đều là các dự án luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp; các dự án luật chế định về quyền con người, quyền công dân.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện phát triển kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Quốc hội cũng sẽ xem xét báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004-2014; thảo luận góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử 2016, Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, phê chuẩn Phó chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia; quyết định ngày bầu cử toàn quốc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp…
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đáng lưu ý, hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 vẫn diễn ra trong 2 ngày rưỡi nhưng có sự đổi mới là chất vấn tổng thể chứ không chất vấn riêng một lĩnh vực nào; làm nổi bật kết quả thực hiện các cam kết của Chính phủ và các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Trên cơ sở đó, đại biểu tiếp tục chất vấn về những điều đã làm được và tại sao có những việc chưa hoàn thành.
Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc liệu người đứng đầu Chính phủ có đăng đàn trả lời chất vấn trực tiếp, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: “Như thông lệ, Thủ tướng và tất cả các thành viên Chính phủ đều sẽ tham dự phiên chất vấn. Nếu Quốc hội thấy cần thiết, Thủ tướng Chính phủ cũng có thể trực tiếp trả lời hoặc báo cáo tổng quát về những ý kiến liên quan theo thẩm quyền”.
Về nội dung cho ý kiến về Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng Toàn quốc, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sẽ dành 1 buổi làm việc theo Đoàn ĐBQH nhằm tập trung được nhiều ý kiến nhất. Đoàn thư ký sẽ sử dụng băng ghi âm để tổng hợp đầy đủ, chính xác các ý kiến của đại biểu chuyển đến Tiểu ban Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng.
Để giúp cử tri và nhân dân theo dõi, nắm bắt kịp thời nhiều nội dung quan trọng được Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp, trong chương trình nghị sự của kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ có 12 buổi phát thanh - truyền hình trực tiếp trên Kênh Truyền hình Quốc hội và Hệ thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài Tiếng nói Việt Nam, Kênh Thời sự (VTV1) Đài truyền hình Việt Nam.
Nguồn: Báo Phú Yên Online