Chỉ số thiết chế pháp lý là chỉ số đo lường lòng tin của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với cơ quan nội chính và tư pháp của tỉnh. Vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, rất cần sự vào cuộc chung tay nâng cao chỉ số này của các cơ quan hữu trách.
Quang cảnh buổi ký kết quy chế phối hợp thực hiện chỉ số thiết chế pháp lý
Chung tay hành động
Nhằm cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh nhà. Hưởng ứng các chương trình hành động của Tỉnh ủy về lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, mới đây, Sở Tư pháp, Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, TAND tỉnh, Viện KSND tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp hành động thực hiện chỉ số thiết chế pháp lý nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017-2020.
Theo đó, quy chế phối hợp hành động thực hiện chỉ số thiết chế pháp lý có 3 chương, 13 điều quy định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể trong công tác phối hợp của từng ngành với các nội dung như: Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại tố cáo, tăng cường công tác điều tra, giải quyết các loại án; đẩy nhanh tiến độ thi hành án dân sự để doanh nghiệp tin tưởng vào sự bảo vệ của pháp luật…
Theo luật sư Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, để cải thiện chỉ số thiết chế pháp lý và thực hiện nguyên tắc hệ thống tư pháp của tỉnh, các doanh nghiệp có thể tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ. Hệ thống tư pháp thể hiện được tính ưu việt khi là nơi doanh nghiệp tin tưởng vào khả năng bảo vệ của pháp luật về vấn đề bản quyền hoặc thực thi hợp đồng; thông tin tuyên truyền để khuyến khích doanh nghiệp sẵn sàng nhờ đến tòa án để giải quyết các tranh chấp; triệt tiêu tình trạng chi phí không chính thức trong quá trình giải quyết tranh chấp, giải quyết vụ án, thể hiện tính công bằng, nghiêm minh trong quá trình xét xử. Bảo đảm tòa án các cấp của tỉnh xử lý các vụ kiện kinh tế nhanh chóng và phán quyết của tòa án được đảm bảo thi hành…
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp nhằm đảm bảo các thiết chế pháp lý được thực thi đúng quy định, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp kinh tế cũng như khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Công bố công khai các trình tự, thủ tục tố tụng, khiếu nại, tố cáo và quy định rõ thời gian giải quyết các vụ việc, đảm bảo được nhanh chóng, công bằng, hợp lý; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp trong việc lập thủ tục, hồ sơ khiếu nại, giải quyết tranh chấp. “Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ không để nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với doanh nghiệp, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Nhất là tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế, vụ việc tranh chấp thương mại và có biện pháp tổ chức thi hành các vụ án đã được xét xử, tạo thuận lợi cho các bên chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và đảm bảo bản án được thực thi theo đúng pháp luật”, luật sư Quê phân tích thêm.
Nhiều giải pháp cụ thể
Là đơn vị chủ trì xây dựng quy chế, theo ông Nguyễn Công Danh, Giám đốc Sở Tư pháp, ngoài việc tham mưu xây dựng, góp ý các văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian đến, sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Sở Tư pháp chủ động rà soát, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành, cũng như kịp thời phát hiện những văn bản có dấu hiệu trái luật và không còn phù hợp để kiến nghị sửa đổi, nhằm đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, thủ tục hành chính… Qua đó góp phần hoàn thiện thể chế, làm cơ sở cho việc cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo khuyến khích hoạt động của các doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cũng như góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh trạnh cấp tỉnh.
Còn theo ông Hà Công Khánh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh, ngoài thực hiện quy chế phối hợp với các ngành để nâng cao chỉ số thiết chế pháp lý trong lĩnh vực thi hành án dân sự, trong thời gian đến, đơn vị sẽ triển khai các nhóm giải pháp chính để nâng cao các chỉ số về pháp lý. Đó là tăng cường quản lý, chỉ đạo, điều hành; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự; tăng cường công tác chuyên môn và đẩy mạnh công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án; thực hiện cơ chế một cửa tại cục và các chi cục đối với các thủ tục yêu cầu thi hành án, xác nhận kết quả thi hành án, thay đổi chấp hành viên tổ chức thi hành án, yêu cầu hoãn thi hành án, đề nghị miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án… Có như vậy mới kịp thời công khai, minh bạch các thủ tục hành chính về thi hành án để giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận một cách chính xác và kịp thời…
Nguồn: Báo Phú Yên Online