Năm 2013, ngành Kiểm sát Phú Yên đã có nhiều cố gắng trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Ngành đã phối hợp chặt chẽ với TAND cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm kỹ năng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội.
Viện KSND tỉnh và viện KSND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với TAND cùng cấp tổ chức được 41 phiên tòa rút kinh nghiệm/tổng số 40 kiểm sát viên, đạt 102,5%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Trong đó, có 2 đơn vị vượt chỉ tiêu là Phòng 3 (Viện KSND tỉnh) và Viện KSND TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, một số đơn vị đã phối hợp với tòa án tổ chức phiên tòa xét xử lưu động như Tuy An, Tây Hòa, Đông Hòa, TP Tuy Hòa, Phòng 2… cũng đã tổ chức cho các thẩm phán tham gia rút kinh nghiệm.
Nhìn chung, các phiên tòa đã thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan. Viện KSND và TAND đã có sự phối hợp chặt chẽ, từ công tác chuẩn bị đến việc tổ chức phiên tòa, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Kiểm sát viên đã thể hiện rõ vai trò, vị trí pháp lý, là người thay mặt Nhà nước làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng. Với tinh thần “tranh tụng dân chủ” theo Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW đã đề ra, kiểm sát viên chú trọng việc kiểm tra, nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và lập hồ sơ kiểm sát xét xử án hình sự theo đúng Quyết định số 07/VKSTC-V3 của Viện KSND tối cao, nắm vững nội dung vụ án, hành vi phạm tội của bị cáo; các chứng cứ buộc tội, gỡ tội; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; các yêu cầu về bồi thường thiệt hại hoặc trách nhiệm dân sự (nếu có) trong vụ án; phân tích đánh giá tổng hợp vụ án; áp dụng các điều, khoản của luật để chuẩn bị thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Do đó, khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã chủ động làm tốt nhiệm vụ đại diện của viện.
Các phiên tòa cho thấy kỹ năng xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên được nâng lên, thực hiện theo đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên đã chuẩn bị đề cương xét hỏi và những nội dung cần làm sáng tỏ, dự kiến các tình huống khác có thể phát sinh tại phiên tòa để tham gia xét hỏi nhằm xác định sự thật của vụ án và các tình tiết khác có liên quan đến việc định tội và đề xuất hình phạt. Tại phiên tòa, kiểm sát viên theo dõi, ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi của hội đồng xét xử, của người bào chữa và ý kiến trả lời của người được xét hỏi để chủ động tham gia xét hỏi làm sáng tỏ hành vi của bị cáo, xác định sự thật khách quan của vụ án hoặc để kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án đối với những vấn đề có kháng cáo, kháng nghị.
Năm 2014, lãnh đạo Viện KSND tỉnh yêu cầu các đơn vị trực thuộc cần chủ động và có kế hoạch phối hợp với tòa tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đáp ứng các điều kiện cần thiết, như các vụ án được chọn đưa ra xét xử rút kinh nghiệm cần bảo đảm không quá khó, cũng không dễ quá, ưu tiên chọn vụ án có luật sư tham gia. Nếu không có luật sư tham gia cần chọn vụ án có nhiều bị cáo, người tham gia tố tụng để kiểm sát viên có điều kiện thể hiện kỹ năng xét hỏi, tranh tụng.
NGỌC THẢO (Nguồn: Báo Phú Yên Online)