Theo dự thảo Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc của liên bộ Y tế, BHXH và Tài chính, từ tháng 11/2015, các bệnh viện trên toàn quốc sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới cho khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Tuy nhiên, hiện người dân vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Khi tăng giá các dịch vụ y tế, một bộ phận những người chưa có thẻ BHYT
sẽ gặp khó khăn trong quá trình chăm sóc sức khỏe.
Trong ảnh: Người dân khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên - Ảnh: T.HÀ
Theo dự thảo này, dự kiến mức giá các dịch vụ y tế sẽ tăng cao hơn hiện hành từ 20% đến 30%. Lý giải về việc tăng giá dịch vụ y tế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) Nguyễn Nam Liên cho rằng, giá tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và người dân sẽ được hưởng các dịch vụ ngay tại địa bàn một cách minh bạch và giảm phiền hà. Mặt khác, người có thẻ BHYT sẽ được BHXH thanh toán, nên được tăng quyền lợi. Tuy nhiên, thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với người thanh toán BHYT, còn người không có thẻ BHYT vẫn sẽ áp dụng mức giá hiện nay, nên không bị ảnh hưởng.
Còn ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam, trong một bài viết trên website của BHXH Việt Nam cho rằng: “Là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam mong muốn việc tăng giá dịch vụ sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế hiện đại để người dân được thụ hưởng các dịch vụ này ngay trên địa bàn”.
Theo dự thảo, dù viện phí tăng hay giảm đều không ảnh hưởng đến người nghèo và các đối tượng chính sách vì họ đã được Nhà nước mua thẻ BHYT và lại được BHYT thanh toán 100%, không phải chi trả thêm các chi phí trước đây chưa kết cấu vào giá. Về phần người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT và được BHYT thanh toán 95% chi phí, thì họ chỉ phải đồng chi trả 5% nên mức độ tác động với đối tượng này là không nhiều. Tuy nhiên, với những người có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT và người chưa có thẻ BHYT, việc tăng giá các dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì theo lộ trình, từ năm 2016, viện phí mới sẽ áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT.
Anh Châu Văn Khoa ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, là công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Hòa Hiệp, chia sẻ: “Gần đây, báo chí đăng tràn lan thông tin việc sắp tăng viện phí, tôi đọc mà thấy lo. Liệu viện phí tăng có đồng nghĩa với việc nâng chất dịch vụ y tế tương xứng?”.
Không có BHYT, ông Nguyễn Văn Diễn, làm nghề chạy xe ôm tại ngã ba Cây Bảng, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, cho biết: “Cánh xe ôm ngày nào cũng đọc báo nên có thông tin gì mới là chúng tôi biết ngay. Tôi thật sự rất lo lắng khi biết tin giá viện phí sẽ tăng trong thời gian tới. Bây giờ tôi còn khỏe, còn làm lụng được nên tất nhiên không phải là hộ nghèo hay cận nghèo, nhưng khó khăn thì vẫn khó. Thử hỏi những người làm nông, chạy xe ôm như chúng tôi ăn bữa sáng phải lo bữa chiều thì lấy đâu mà có tiền triệu để mua BHYT cho cả nhà”.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết năm 2014, cả nước có 71,6% dân số tham gia BHYT. Như vậy, còn lại gần 30% dân số chưa có thẻ BHYT. Theo nhiều người, việc tăng giá viện phí để nâng cao dịch vụ y tế là không sai, tuy nhiên, chỉ trong năm 2015 mà tăng cả phí BHYT và cả giá dịch vụ y tế thì chính là làm khó cho người dân. Vì vậy, thay vì tăng giá dịch vụ y tế, những người có thẩm quyền nên tìm cách tăng độ bao phủ BHYT để xây dựng Quỹ BHYT đủ chi cho những dịch vụ y tế chứ không thể cứ hết lần này sang lần khác tăng mọi dịch vụ, trong khi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. |
Nguồn: Báo Phú Yên Online