Trong những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo triển khai tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hầu hết các đối tượng chính sách đều có cuộc sống ổn định, mức sống được nâng cao. Đặc biệt, qua đợt tổng rà soát chế độ ưu đãi đối với người có công cách mạng trong năm 2014 và 2015, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong công tác đền ơn đáp nghĩa với những người có công được thể hiện rõ nét.
Vì nhiều lý do khác nhau, việc cập nhật, theo dõi, lưu trữ các loại hồ sơ của người có công còn không ít bất cập, thiếu sót. Bên cạnh đó, một số địa phương còn tồn đọng một lượng hồ sơ chưa được xử lý kịp thời; việc tổ chức thực hiện các chính sách ưu đãi vẫn còn sai sót, gây ảnh hưởng không tốt trong dư luận. Trước thực tế đó, ngày 27/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23 về tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thực hiện trong vòng hai năm 2014 và 2015.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam
tặng quà cho một gia đình có công cách mạng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.KÝ
NGƯỜI CÓ CÔNG ĐƯỢC QUAN TÂM SÂU SẮC
Ông Đinh Khắc Đô, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên, Phó trưởng ban Chỉ đạo rà soát chính sách ưu đãi với người có công cách mạng tỉnh, nói: Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công với cách mạng, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người có công. Đợt tổng rà soát lần này là lần đầu tiên các tổ chức đoàn thể, xã hội được huy động tham gia và phân công nhiệm vụ cụ thể. Có thể nói, việc thực hiện tổng rà soát chính sách đối với người có công được tiến hành trong giai đoạn hiện nay là hết sức thiết thực, đầy tính nhân văn.
Với mục tiêu, các đối tượng chính sách phải có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư ở nơi cư trú, cuộc tổng rà soát lần này nhằm xác định rõ các đối tượng người có công và thân nhân hưởng chính sách ưu đãi. Bên cạnh việc hoàn thiện, củng cố hồ sơ của những người đã được hưởng chế độ thời gian qua, cuộc tổng rà soát còn hướng tới mục tiêu quan trọng khác là phát hiện được những người có công và gia đình thân nhân chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước.
Nhiều đối tượng có công bày tỏ sự vui mừng vì được Đảng, Nhà nước quan tâm sâu sắc. Bà Trịnh Thị Kha, 64 tuổi ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cựu thanh niên xung phong, bị địch bắt tù đày, chia sẻ: “Qua rà soát lần này, nhờ cán bộ hướng dẫn, tôi khai báo để hưởng đầy đủ các chế độ”. Còn bà Trần Thị Tuần, 85 tuổi ở thôn Cần Lương, xã An Dân (huyện Tuy An), cán bộ cách mạng bị địch bắt tù đày, thương binh 4/4, chia sẻ: “Khi trẻ thì xung phong tham gia cách mạng, về già thì phụ con cháu làm ruộng, trông coi nhà cửa, giờ mỗi tháng nhận trợ cấp hơn 2 triệu đồng, nên tôi mừng lắm. Qua rà soát, tôi thấy Đảng và Nhà nước quan tâm sâu sắc đến những người con cách mạng. Tôi rất cảm động”.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao danh hiệu
“Bà mẹ Việt Nam anh hùng” cho một mẹ ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.KÝ
ĐIỀU CHỈNH BẤT CẬP, ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG
Việc xác nhận người có công với cách mạng tồn đọng qua các thời kỳ là công việc khó khăn, phức tạp. Do chiến tranh, điều kiện bảo quản các loại hồ sơ, giấy tờ liên quan còn hạn chế, thất lạc, dẫn đến nhiều trường hợp bị thương, bị ảnh hưởng sức khỏe từ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến nay không có đủ căn cứ để được xác nhận. Đợt rà soát cũng để phát hiện những bất cập từ việc thực hiện chính sách, trên cơ sở đó, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất với cơ quan thẩm quyền để hoạch định chính sách hợp lý hơn.
Đồng chí Đinh Khắc Đô cho biết: Việc thực hiện tổng rà soát đã đạt được hiệu quả tích cực và tạo ấn tượng tốt trong nhân dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế, thiếu sót. Sau khi rà soát có kết quả, tỉnh đã chỉ đạo xử lý dứt điểm những trường hợp vướng mắc, như: 166 đối tượng phản ánh hưởng chưa đầy đủ, đã giải quyết được 160 trường hợp, còn 6 trường hợp đang hướng dẫn bổ sung hồ sơ. Ngoài ra, 23 trường hợp nhân dân địa phương phản ánh không phải người có công nhưng hưởng chế độ chính sách ưu đãi của Nhà nước, Ban rà soát đã phối hợp với chính quyền địa phương thẩm tra, xác minh, kết luận có 9 trường hợp không đúng đối tượng, không đủ điều kiện hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước về người có công, tỉnh đã lập thủ tục đề nghị xóa danh hiệu; các đối tượng còn lại có người hưởng đúng, có người hưởng chưa đúng loại đối tượng, chưa lập hồ sơ… đang được các ngành chức năng tích cực hướng dẫn làm thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định. Đối với 655 đối tượng đăng ký nhưng chưa được xem xét công nhân, qua phân loại đã có 97 trường hợp được công nhận và thực hiện chế độ; 299 trường hợp đang chờ kết quả và hướng dẫn lập hồ sơ; 259 trường hợp đã hướng dẫn nhưng đối tượng không có đủ giấy tờ gốc để chứng minh.
Mục đích quan trọng nhất của việc tổng rà soát chính sách cho người có công là không được phép bỏ sót đối tượng nào. Đó không chỉ là kỳ vọng của người dân từ cuộc tổng rà soát này, mà còn là trách nhiệm của những người thực hiện. Việc làm ý nghĩa nhân văn này nhằm đảm bảo công bằng với những người có công - những người thật sự xứng đáng với sự ghi nhận, tri ân của Đảng, Nhà nước và toàn dân.
Qua 2 năm triển khai thực hiện việc tổng rà soát theo Chỉ thị 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 112/112 xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hoàn thành công tác tổng rà soát. Toàn tỉnh có 19.802 đối tượng được rà soát thuộc bảy nhóm, gồm: 12.869 liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ; 102 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 3.272 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 848 bệnh binh; 853 người hoạt động kháng chiến và con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 1.528 người có công giúp đỡ cách mạng; 197 cựu thanh niên xung phong và 133 trường hợp tuất từ trần. |
Nguồn: Báo Phú Yên Online