Luật tổ chức VKSND năm 2002 cũng như Bộ luật tố tụng năm 2003 chưa quy định thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Trên thực tế, thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố chỉ là một khâu trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Chính vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác kiểm sát đã có những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND, của Cơ qua điều tra và các cơ quan hữu quan, làm hạn chế đến chất lượng, hiệu quả công tác này. Có lẽ vì lý do này, ngày 02/08/2013 Liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn và VKSNDTC đã phải ban hành Thông tư 06/2013/TTLN-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNN-VKSNDTC, hướng dẫn thi hành quy định về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó quy định cụ thể về kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên…
Luật tổ chức VKSND năm 2014 đã khắc phục những nhược điểm nói trên, quy định thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một trong những công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND. Từ đó, đã quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND khi thực hiện công tác này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để VKSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Theo đó:
Tại Điều 12 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố Viện kiểm sát nhân dân có những nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
1. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
2. Hủy bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
3. Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thực hiện.
4. Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.
5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.
Tại Điều 13 Luật tổ chức VKSND năm 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, bao gồm:
1. Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.
2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận cho Viện kiểm sát nhân dân.
3. Trực tiếp kiểm sát; kiểm sát việc kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời kết quả xác minh, giải quyết cho Viện kiểm sát nhân dân.
4. Khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động sau đây:
a) Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đầy đủ, đúng pháp luật;
b) Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;
c) Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
d) Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm.
5. Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
GIANG HÀ