Năm 2024, VKSND tỉnh Phú Yên và các VKSND huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, hiệu quả Chỉ thị, Kế hoạch của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành KSND năm 2024, chủ động, sáng tạo, triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính VKSND hai cấp đã triển khai thực hiện nhiều các phương thức kiểm sát, kiểm sát chặt chẽ việc kê biên tài sản, cưỡng chế, tiêu hủy vật chứng, định giá, xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trong THADS... đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ ban hành Chỉ thị 41-CT/TU ngày 27/3/2024 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo VKSND tỉnh và Cục THADS tỉnh đã ký kết Quy chế phối hợp số 599/QCPH/VKS-CTHADS trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và phối hợp tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho toàn thể Kiểm sát viên, Chấp hành viên, công chức Ngành KSND và THADS ở cả hai cấp tỉnh và huyện; chỉ đạo 9 VKSND và Chi cục THADS huyện, thị xã, thành phố ký kết Quy chế phối hợp và tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả.
Năm 2025 là năm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc, cũng là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đại biển toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, cùng với đó, ngành Kiểm sát nhân dân kỷ niệm 65 năm trưởng thành và phát triển. VKSND hai cấp tỉnh Phú Yên tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và hoạt động với phương châm công tác “Đoàn kết, trách nhiệm - Kỷ cương, liêm chính - Bản lĩnh, hiệu quả”, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu và nâng cao trách nhiệm của công chức, Kiểm sát viên để thực hiện đạt chất lượng, có hiệu quả Kế hoạch đề ra.
Đối với công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, trong năm 2025, VKSND hai cấp tỉnh và huyện cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Tiếp tục triển khai, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính được nêu trong Chỉ thị số 07/CT-VKSTC ngày 23/11/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính”; Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 26/6/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao về “Tăng cường kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”; Quy chế công tác kiểm sát THADS, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSTC ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao; Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC ngày 30/12/2024 của Vụ 11 VKSND tối cao về công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính năm 2025; Chỉ thị số 41-CT/TU ngày 27/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, Kế hoạch số 419/KH-BCSĐ ngày 17/4/2024 của Ban Cán sự Đảng VKSND tỉnh về tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU trong toàn ngành KSND tỉnh Phú Yên...Phối hợp chặt chẽ với Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự tập trung rà soát, lập danh sách các vụ, việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính tồn đọng, phức tạp, chưa thi hành xong để tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm, đảm bảo việc thi hành án kịp thời, đúng pháp luật.
2. Đổi mới phương thức công tác trực tiếp kiểm sát, tăng cường kiểm sát đột xuất theo chuyên đề đối với lĩnh vực nổi cộm và trực tiếp kiểm sát theo vụ việc tại cơ quan Thi hành án dân sự. Trong đó, chú trọng thực hiện kiểm sát đối với hồ sơ có dấu hiệu vi phạm, khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; đơn do Đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Đảng chuyển; được báo chí phản ánh; các vụ việc có áp dụng biện pháp bảo đảm và cưỡng chế thi hành án, nhất là việc kê biên, xử lý tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ;
Tăng cường kiểm sát và trực tiếp thực hiện xác minh điều kiện thi hành án, thực hiện biện pháp rút hồ sơ thi hành án dân sự để kiểm sát đối với những vụ việc bán đấu giá thành nhưng chưa giao được tài sản cho người trúng đấu giá dẫn đến có khiếu kiện bức xúc, kéo dài; tổng hợp vi phạm và kiên quyết thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị đối với cá nhân, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu chấm dứt, khắc phục hoặc phòng ngừa vi phạm.
3. Kiểm sát chặt chẽ việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; tích cực, chủ động thực hiện các biện pháp kiểm sát, kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm hoặc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính nhưng không kịp thời thi hành án nhằm tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính còn tồn đọng, kéo dài.
4. Kiểm sát chặt chẽ việc xác minh điều kiện thi hành án, phân loại việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành; tăng cường trực tiếp xác minh điều kiện thi hành án đối với các việc Cơ quan Thi hành án dân sự đã phân loại chưa có điều kiện thi hành; kịp thời ban hành kiến nghị, kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc xác minh điều kiện thi hành án và vi phạm trong việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành. Kiểm sát chặt chẽ hoạt động phong tỏa tài khoản; cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án; chú trọng kiểm sát đối với các việc cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, tổng kết, thông báo rút kinh nghiệm về những thiếu sót, hạn chế trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính. Kịp thời phát hiện vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc tổ chức thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để ban hành kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, chấm dứt vi phạm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị, đảm bảo đạt và vượt tỷ lệ kiến nghị, kháng nghị được chấp nhận theo chỉ tiêu của Ngành. Quan tâm xem xét, bảo vệ những kháng nghị, kiến nghị của VKSND cấp huyện có căn cứ, đúng pháp luật nhưng không được cơ quan, tổ chức, cá nhân chấp nhận, tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu của VKSND trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính; trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thực hiện tốt công tác phối hợp với liên ngành để giải quyết những việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính có khó khăn, vướng mắc hoặc còn nhiều quan điểm khác nhau.
6. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và công tác thống kê, báo cáo kết quả kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính để nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo đơn vị...
GIANG HÀ - NGỌC NỮ