Sau khi có các văn bản chỉ đạo của Ngành về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã triển khai, phổ biến tới toàn thể cán bộ công chức Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh và huyện Quy chế công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành kiểm sát nhân dân (Ban hành kèm theo Quyết định số 525-VKSTC- QĐ - V9, ngày 10/11/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao); Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015 (ban hành kèm theo Quyết định số 619/QĐ-VKSTC-V9 ngày 15/12/2011 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) và Kế hoạch công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạo điều kiện cho cán bộ, công chức của đơn vị được tham gia học các lớp đào tạo cử nhân luật, chuyên ngành Kiểm sát; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ Kiểm sát… nhằm góp phần nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Ảnh minh họa.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xác định những chương trình, khóa bồi dưỡng, tập huấn được tính vào việc thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc gồm: Chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chuyên ngành; chương trình bồi dưỡng cập nhật theo vị trí việc làm; các khóa tập huấn, hội thảo cập nhật kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ; các khóa bồi dưỡng ở nước ngoài. Thời gian tham gia các khóa bồi dưỡng này được cộng dồn để tính thời gian thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu trong một năm.
Ngay từ đầu năm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ năm 2012, 2013, 2014, Kế hoạch đào tạo tại chỗ; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau quy hoạch; tạo điều kiện cho cán bộ công chức tham gia các lớp do Viện KSND tối cao và địa phương tổ chức. Kết quả qua 02 năm (2012,2013) đã có hơn 2200 lượt cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, gồm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị (Cao cấp lý luận chính trị) 09 người; bồi dưỡng lý luận chính trị hàng năm (học tập các Nghị quyết, sinh hoạt chuyên đề…): 1680 lượt người; trang bị kiến thức, kỹ năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ của Ngành 232 người; kiến thức pháp luật, kiển thức bổ trợ tư pháp phục vụ hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp 204 người; kiến thức khoa học điều tra tội phạm 04 người; kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước và quản lý chuyên ngành kiểm sát 118 người; ngoại ngữ, tin học, tiếng dân tộc 20 người; đào tạo cử nhân luật, lớp đại học bằng 2 ngành luật 16 người.; bồi dưỡng ở nước ngoài 02 người; các lớp bồi dưỡng khác (an ninh trật tự, quốc phòng an ninh…) 10 người…
Bên cạnh việc quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Kiểm sát viên gắn với việc thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo nêu trên trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã chú trọng đến công tác tự đào tạo thông qua công tác quản lý chỉ đạo điều hành. Đã tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về Ngành, tìm hiểu các luật mới ban hành, kiểm tra thông khâu và chuyên sâu công tác thực hành quyền công tố; tổ chức tuyển chọn thi Kiểm sát viên giỏi.Qua đó, đã tạo ra phong trào học tập, thi đua trong cán bộ, công chức ngành KSND, đây là dịp để cán bộ, công chức nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát, xây dựng Ngành trong sạch, vững mạnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên thời gian qua còn một số khó khăn, tồn tại như vẫn còn số ít cán bộ chưa đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị và trình độ quản lý hành chính nhà nước… Nguyên nhân do cơ chế, chính sách đối với cán bộ đi học chưa đồng bộ, thiếu những quy định cần thiết về chế độ, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhiệm vụ học tập. Mộ số loaị văn bằng, chứng chỉ, bồi dưỡng chưa thật sự mang tính bắt buộc, có ý nghĩa trong việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc thực hiện các chính sách về cán bộ. Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu, hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong toàn Ngành còn hạn chế.
Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong ngành kiểm sát nhân dân trong thời gian đến, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên có mộ số đề xuất, kiến nghị sau:
Một là, cần phải nghiên cứu, phân bổ thời gian đào tạo hợp lý; chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần chặt chẽ tránh trùng lắp; đảm bảo kiến thức cần thiết, trong đó cần chú trọng kỹ năng, nghiệp vụ trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hai là, chú trọng việc đào tạo theo hướng chuyên sâu trong từng lĩnh vực công tác kiểm sát.
Ba là, xây dựng hệ thống các chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức đồng bộ, thống nhất.
Bốn là, quan tâm phân bổ kinh phí thoả đáng; chế độ trợ cấp cho cán bộ, công chức cử đi đào tạo giải quyết kịp thời, đúng quy định. Đối với cán bộ, công chức được cử tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đề nghị hỗ trợ các khoản chi phí học tập, tài liệu, ăn, ở hợp lý.
Năm là, tiếp tục đa dạng hóa và mở rộng quy mô đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo lý luận chính trị cao cấp cho Viện kiểm sát nhân dân các địa phương.
Phan Thị Đầm