Ngày 28/11/2013, tại kỳ họp Thứ 6, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2013. Theo đó, chế định VKSND được quy định từ Điều 107 đến Điều 109 Hiến pháp. Về chức năng, nhiệm vụ của VKSND, Hiến pháp tiếp tục ghi nhận: VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp… VKSND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất (Điều 107).
Bên cạnh đó, Hiến pháp cũng quy định khái quát về nhiệm kỳ của Viện trưởng, cơ chế hoạt động, nguyên tắc và tổ chức hoạt động, cơ chế giám sát hoạt động của VKSND.
Nghiên cứu Dự thảo Luật Tổ chức VKSND sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) cho thấy: Dự thảo đã được xây dựng trên cơ sở hợp nhất 3 văn bản quy phạm pháp luật là: Luật Tổ chức VKSND năm 2001, Pháp lệnh tổ chức VKSQS và Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND. Dự thảo cũng được xây dựng theo hướng pháp điển hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với các quy định của Hiến pháp, phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong tình hình mới.
Trong phạm vi bài viết này, tôi tham gia ý kiến về phần những quy định chung của dự thảo, bao gồm: Phạm vi điều chỉnh; chức năng nhiệm vụ của VKSND; thẩm quyền, nguyên tắc hoạt động của VKSND; cơ chế giám sát, trách nhiệm phối hợp; ngày truyền thống và phù hiệu của ngành Kiểm sát nhân dân. Cụ thể như sau:
Luật Tổ chức VKSND hiện hành không quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật. Khắc phục tình trạng này, Dự thảo đã bổ sung một điều luật mới (phạm vi điều chỉnh) để phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 “Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định trực tiếp nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung”.
Tuy nhiên, Dự thảo Luật lần này được xây dựng trên cơ sở sáp nhập Luật Tổ chức VKSND, Pháp lệnh tổ chức VKSQS, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND. Vì vậy, cần bổ sung theo hướng quy định cả VKSQS trong điều luật. Cụ thể cần sửa đổi như sau: “Luật này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức và hoạt động; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên; chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND, VKSQS (sau đây gọi chung là VKSND)”.
Điều 2 Dự thảo tiếp tục khẳng định chức năng của VKSND quy định trong Luật Tổ chức VKSND; bổ sung các quy định nhằm làm rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; đồng thời cụ thể hóa các quy định tại Điều 107 và khoản 2 Điều 119 Hiến pháp 1992 năm 2013.
Tuy nhiên về khái niệm “thực hành quyền công tố” và khái niệm “Kiểm sát hoạt động tư pháp” còn rườm rà, khó hiểu, dễ gây nhầm lẫn với hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng khác như Tòa án, Cơ quan điều tra. Mặt khác, việc quy định quá chi tiết sẽ dẫn đến tình trạng trùng lặp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Theo tôi, về khái niệm “thực hành quyền công tố” và “kiểm sát hoạt động tư pháp” cần được quy định như sau:
- Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát trong tố tụng hình sự, thay mặt Nhà nước thực hiện chức năng buộc tội, gỡ tội; được thực hiện ngay từ khi có hành vi tội phạm xảy ra và trong suốt quá trình tố tụng nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.
- Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát trong việc kiểm tra tính có căn cứ, hợp pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp và thi hành án nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật trong các hoạt động tư pháp.
Khoản 2 Điều 2 Dự thảo quy định: “Trong phạm vi chức năng của mình, VKSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Quy định như Dự thảo là phù hợp, đã thể chế hóa được quy định của khoản 3 Điều 107 và khoản 2 Điều 119 Hiến pháp năm 2013; mặt khác, khẳng định VKSND là một cơ chế bảo vệ Hiến pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, khẳng định nguyên tắc thượng tôn Hiến pháp và các đạo luật của Nhà nước. Đồng thời, Dự thảo Luật có kế thừa nhiệm vụ “bảo đảm để mọi hành vi vi phạm pháp luật đều phải được xử lý nghiêm minh” đã được quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức VKSND hiện hành vì nó thể hiện hiệu quả cao nhất của việc thực hiện chức năng của VKSND.
Dự thảo Luật quy định toàn diện về các lĩnh vực công tác của VKSND trên cơ sở kế thừa các điều 3, 4, 5 của Luật Tổ chức VKSND năm 2002; tuy nhiên, thiết kế thành 02 khoản để phân định rõ các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các công tác khác. Trong đó, đã quy định cụ thể, đồng thời xác định đúng phạm vi các công tác thực hiện chức năng, không chỉ gồm có các công tác truyền thống như quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 mà bổ sung một số lĩnh vực công tác khác như: Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tương trợ tư pháp về hình sự; thống kê hình sự và thống kê tội phạm; giải quyết khiếu nại, tố cáo...
Qua nghiên cứu các quan điểm của các nhà khoa học thấy có ý kiến cho rằng cần giữ nguyên các lĩnh vực công tác như quy định của Luật Tổ chức VKSND hiện hành, bởi lẽ các lĩnh vực công tác khác là trách nhiệm và nghĩa vụ của Viện kiểm sát xuất phát từ các công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND. Ví dụ: Nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố là xuất phát từ nội dung công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra. Tuy nhiên, quan điểm của cá nhân tôi thấy quy định như dự thảo là phù hợp, khoa học, ngắn gọn, xác định rõ từng lĩnh vực công tác của Viện kiểm sát, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp và quan điểm chỉ đạo của Đảng “tăng cường công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”.
Việc quy định thẩm quyền của VKSND trong Luật Tổ chức VKSND hiện hành chưa hợp lý; còn quy định chung chung, chưa cụ thể; chưa có quy định trong trường hợp nào Viện kiểm sát ban hành yêu cầu, trường hợp nào ban hành kiến nghị, kháng nghị; chưa có chế tài hoặc quy định bắt buộc đối với các chủ thể trong việc thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND.
Điều 4, Điều 5 Dự thảo Luật đã phần nào khắc phục được những hạn chế đã nêu ở trên; đã quy định những thẩm quyền cơ bản nhất của VKSND khi thực hiện chức năng, nhằm mục đích làm rõ hơn vị trí, vai trò của VKSND trong mối quan hệ phối hợp, phân công, kiểm soát quyền lực, mà cụ thể là kiểm soát việc thực hiện các hoạt động tư pháp của Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan Thi hành án và một số cơ quan khác (Điều 4); đã đưa ra những quy định cụ thể trường hợp nào ban hành yêu cầu, trường hợp nào ban hành kiến nghị, kháng nghị; quy định buộc chủ thể thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của VKSND (Điều 5). Tuy nhiên một số quy định tại Điều 4, Điều 5 Dự thảo quy định chưa chặt chẽ, còn thiếu hoặc trùng lặp với các quy định của luật tố tụng; chưa quy định thời gian tiếp thu và trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát... Theo tôi, Điều 4, Điều 5 dự thảo cần điều chỉnh như sau:
Điều 4. Thẩm quyền của VKSND khi thực hiện chức năng (sửa đổi, bổ sung)
a) Ban hành các quyết định theo quy định của pháp luật (bỏ điểm b, d vì thuộc thẩm quyền quyết định của Viện kiểm sát);
c) Kiểm tra, xác minh, điều tra; kiểm sát trực tiếp;
d) Tham gia xét hỏi, luận tội, tranh tụng, phát biểu quan điểm tại Tòa án; kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng tại phiên tòa (thêm quyền tham gia xét hỏi, kiểm sát việc tuân theo pháp luật);
đ) Yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị.
e) Các thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, quyền kháng nghị của VKSND (mới)
Hiến pháp năm 2013 đã tiếp tục ghi nhận nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của VKSND; đồng thời, bổ sung nguyên tắc hoạt động của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 109). Điều 6 của Dự thảo Luật đã ghi nhận 02 nguyên tắc hiến định tại Điều 109 Hiến pháp và quy định cụ thể nội dung của 02 nguyên tắc trên cơ sở kế thừa Điều 8 Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và Điều 14 Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002. Đồng thời, làm rõ nội dung nguyên tắc tập trung dân chủ thông qua cơ chế hoạt động của Ủy ban kiểm sát. Vì vậy, tôi cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo. Tuy nhiên đoạn 3 khoản 3 Điều 6 Dự thảo luật quy định hơi rườm rà, không cần thiết, cần chỉnh sửa lại như sau:
Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao khi có căn cứ cho rằng việc đó là trái pháp luật; nếu Viện trưởng vẫn quyết định thì Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng có quyền bảo lưu ý kiến và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.
Nguyên tắc này đã được quy định tại Điều 7 Luật Tổ chức VKSND hiện hành. Dự thảo Luật tiếp tục kế thừa quy định tại Điều 7, có bổ sung cơ quan Kiểm toán thuộc diện VKSND cần ưu tiên phối hợp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm. Tôi nhất trí với Dự thảo, tuy nhiên cần bổ sung thêm Cơ quan THADS sự bởi lẽ tại thời điểm năm 2002 khi Luật Tổ chức VKSND được thông qua, Cơ quan THADS trực thuộc cơ quan Tư pháp địa phương nên quy định như cũ là hợp lý. Đến thời điểm hiện nay Cơ quan THADS đã tách khỏi cơ quan tư pháp địa phương thành cơ quan độc lập nên cần phải bổ sung vào danh sách các cơ quan cần được ưu tiên phối hợp để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm.
Điều 8 Dự thảo được xây dựng trên cơ sở các điều 6, 11 của Luật Tổ chức VKSND năm 2002, các điều 8, 9 của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 nhằm bảo đảm các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND phải được tôn trọng, các quyền của VKSND phải bảo đảm được thực hiện trên thực tế, đồng thời cũng được đặt dưới sự giám sát của nhân dân. Tuy nhiên, Điều 8 Dự thảo quy định rườm rà, chưa khoa học. Theo tôi cần điều chỉnh Điều 8 Dự thảo như sau:
Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của VKSND hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên của VKSND.
Điều 9 Dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa một phần quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức VKSND năm 2002. Tuy nhiên, Điều 9 Dự thảo Luật bổ sung trách nhiệm “trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội về hoạt động của toàn ngành KSND” (đoạn 1 khoản 1 Điều 9); sửa đổi quy định Viện trưởng Viện kiểm sát khu vực (hoặc cấp huyện) “có trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân khi Hội đồng nhân dân yêu cầu” (đoạn 4 khoản 1 Điều 9) cho phù hợp với chủ trương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp huyện, quận, phường và chủ trương thành lập Viện kiểm sát khu vực; bổ sung quy định về vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với hoạt động của VKSND cho phù hợp với quy định tại các điều 2, 12 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 1999 (khoản 2 Điều 9).
Việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 như Dự thảo theo tôi là phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước.
Ngày truyền thống, phù hiệu là các giá trị biểu tượng, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành KSND, có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với toàn thể đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát. Vì vậy, tôi thống nhất với Dự thảo Luật bổ sung một điều mới ghi nhận về ngày truyền thống, phù hiệu của ngành KSND như nội dung dự thảo.
Nguồn: Kiểm sát Online