Trong thời gian qua công tác luân chuyển cán bộ luôn được Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh quan tâm; Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Ngành và cấp ủy địa phương, VKSND tỉnh đã tích cực phổ biến, triển khai thực hiện, đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2012-2016 gồm 05 đồng chí, đồng chí Bí thư Ban Cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh làm Trưởng ban, đồng thời xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2012-2016 nhằm tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện trong thực tiễn.
Trong nhiệm kỳ 2010-2015, công tác luân chuyển cán bộ của VKSND tỉnh Phú Yên được thực hiện đồng bộ, hiệu quả mang lại nhiều kết quả tích cực đối với VKSND 2 cấp tỉnh và huyện. Cụ thể: có 11 cán bộ được luân chuyển, trong đó: cán bộ luân chuyển từ tỉnh về huyện: 01 đồng chí (thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cấp huyện không phải là người địa phương); luân chuyển từ huyện, thị xã, thành phố về tỉnh: 01 đồng chí; luân chuyển giữa các phòng, các huyện: 09 đồng chí (trong đó bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý không phải là người địa phương: 01 đồng chí). Cán bộ sau luân chuyển được bổ nhiệm chức vụ cao hơn: 09 đồng chí, bổ nhiệm giữ chức vụ tương đương chức vụ trước khi luân chuyển: 02 đồng chí.
Qua luân chuyển đã góp phần củng cố tổ chức, bộ máy 2 cấp của VKSND tỉnh Phú Yên; Cán bộ trong diện luân chuyểnđều nhận thức đúng đắn về chủ trương luân chuyển; an tâm công tác, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy được năng lực, sở trường, thể hiện được tính tiền phong gương mẫu, chủ động, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động công tác tại đơn vị, xây dựng khối sự đoàn kết, tạo được lòng tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; có điều kiện để học tập,tích lũy được nhiều kinh nghiệm ở các vị trí công tác khác nhau, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác.
Để công tác luân chuyển phát huy hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Đảng và Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi (nhất là điều kiện ăn ở, đi lại) để cán bộ thuộc đối tượng luân chuyển an tâm công tác, phát huy tốt nhất khả năng, năng lực chuyên môn và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cấp ủy cần có giải pháp để tạo cơ chế vận dụng linh hoạt trong việc bố trí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện đối với cấp trưởng các cơ quan tư pháp nói chung và Viện trưởng huyện nói riêng nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc luân chuyển gắn với bố trí cấp trưởng không phải là người địa phương.
Liên Phạm – Thái Phong