Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên - Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên (gọi tắt là các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh) đã ký kết văn bản phối hợp chỉ đạo các Cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới về việc thỉnh thị và xin ý kiến chỉ đạo các vụ việc, vụ án hình sự có khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, các Cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Phú Yên thống nhất chỉ đạo như sau:
1. Các cơ quan tiến hành tố tụng địa phương phải tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và giải quyết án hình sự, khắc phục những tồn tại, thiếu sót; chủ động trao đổi, bàn bạc, phân tích, đánh giá tài liệu chứng cứ và thống nhất quan điểm giải quyết, xử lý hiệu quả, đúng pháp luật các vụ việc, vụ án hình sự có khó khăn vướng mắc, các vụ có tính chất phức tạp, nhạy cảm, được dư luận quan tâm… góp phần nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng hoạt động tố tụng.
2. Cơ quan điều tra các cấp tiếp tục thực hiện đúng quy định về việc thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo án có khó khăn vướng mắc theo Hướng dẫn số 663/BCA-C41 ngày 21/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an. Trước khi tổ chức họp liên ngành, từng ngành phải chủ động trao đổi đánh giá, thống nhất quan điểm ngành mình về giải quyết vụ án, vụ việc hình sự để đưa ra bàn bạc thảo luận (nếu nội bộ chưa thống nhất quan điểm thì xin chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên ngành mình), tránh tình trạng nội bộ từng ngành còn có ý kiến khác nhau tại cuộc họp liên ngành.
3. Đối với vụ án, vụ việc hình sự đã được lãnh đạo liên ngành tố tụng cấp huyện thống nhất quan điểm giải quyết, thì lãnh đạo ba ngành phải thực hiện đúng quyền năng tố tụng được giao để chỉ đạo, quyết định xử lý, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình, kể cả trường hợp còn có ý kiến khác nhau của Điều tra viên, Kiểm sát viên hoặc Thẩm phán được phân công thụ lý, theo dõi vụ án.
4. Trường hợp vụ án, vụ việc hình sự có quan điểm khác nhau thì cơ quan thụ lý xây dựng báo cáo, nêu rõ kết quả điều tra, những khó khăn vướng mắc và quan điểm của từng ngành, báo cáo phải do Thủ trưởng ba ngành cùng ký hoặc Thủ trưởng cơ quan thụ lý ký nhưng trong báo cáo phải thể hiện quan điểm của Thủ trưởng từng ngành để thỉnh thị, xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành tố tụng tỉnh.
Khi liên ngành tố tụng tỉnh tổ chức cuộc họp để nghe chỉ đạo, yêu cầu phải phân công đúng thành phần đã tham dự cuộc họp ở cấp huyện tham dự. Các trường hợp báo cáo xin ý kiến thỉnh thị giải quyết vụ việc, vụ án khó khăn vướng mắc mà không thực hiện theo đúng các nội dung trên, lãnh đạo liên ngành tố tụng tỉnh sẽ không xem xét chỉ đạo.
Hồng Lê