VKSND tối cao vừa ban hành Quy định về cơ cấu bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức của VKSND các cấp (Ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao), có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Theo đó, cơ cấu bộ máy làm việc, lãnh đạo, quản lý và công chức, viên chức trong từng cấp kiểm sát bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc, cơ cấu lãnh đạo, quản lý tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có cơ cấu hợp lý, phù hợp với đặc thù địa phương, đơn vị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Trong phạm vi bài viết, xin giới thiệu một số nội dung có liên quan đến cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc, lãnh đạo, quản lý và công chức của VKSND cấp tỉnh và cấp huyện.
1. Về cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc, lãnh đạo, quản lý và công chức của VKSND cấp tỉnh
VKSND cấp tỉnh có Ủy ban kiểm sát, Văn phòng, các phòng nghiệp vụ và tương đương. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát không quá 09 người. VKSND cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các ngạch và tương đương, công chức khác theo quy định.
Đối với VKSND cấp tỉnh có đến 60 biên chế được cơ cấu Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng; không quá 11 phòng và tương đương.
Phòng có đủ 03 biên chế được cơ cấu Trưởng phòng; Phòng có từ 04 đến 09 biên chế được cơ cấu Trưởng phòng và 01 Phó Trưởng phòng; Phòng có từ 10 biên chế trở lên được cơ cấu Trưởng phòng và không quá 02 Phó trưởng phòng; Văn phòng tổng hợp có Chánh Văn phòng, không quá 02 Phó Chánh Văn phòng, có 04 công chức làm công tác tổng hợp, thi đua, 02 Kế toán, 01 Thủ quỹ, 01 Văn thư kiêm đánh máy, 01 Cơ yếu kiêm lưu trữ.
Đối với những VKSND cấp tỉnh có từ 61 biên chế trở lên thì cơ cấu Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng, có từ 11 phòng trở lên...; riêng VKSND thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được cơ cấu Viện trưởng và không quá 04 Phó Viện trưởng; có không quá 15 phòng và tương đương;
2. Về cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc, lãnh đạo, quản lý và công chức của VKSND cấp huyện
Cơ cấu tổ chức bộ máy làm việc của VKSND cấp huyện gồm có 03 bộ phận, cụ thể như sau:
- Bộ phận Văn phòng tổng hợp, thống kê tội phạm, kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.
- Bộ phận Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự; kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và kiểm sát thi hành án hình sự.
- Bộ phận Kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, vụ án hành chính, vụ việc kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; kiểm sát thi hành án dân sự, án hành chính.
VKSND cấp huyện có đến 09 biên chế được cơ cấu Viện trưởng và 01 Phó Viện trưởng; có công chức chuyên môn nghiệp vụ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các ngạch theo quy định; có 01 công chức làm nhiệm vụ kế toán kiêm văn thư, lưu trữ và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng VKSND cấp huyện phân công.
VKSND cấp huyện có từ 10 đến 20 biên chế được cơ cấu Viện trưởng và không quá 02 Phó Viện trưởng; có công chức chuyên môn nghiệp vụ, có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các ngạch theo quy định; có 01 công chức làm nhiệm vụ kế toán kiêm văn thư, lưu trữ và các nhiệm vụ khác do Viện trưởng VKSND cấp huyện phân công.
VKSND cấp huyện cấp huyện có từ 21 biên chế trở lên được cơ cấu Viện trưởng và không quá 03 Phó Viện trưởng; có công chức chuyên môn nghiệp vụ, có Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên các ngạch theo quy định; có 01 công chức làm kế toán, 01 đánh máy kiêm văn thư, lưu trữ.
VKSND cấp huyện cấp huyện có từ 25 biên chế trở lên và có số lượng án hình sự khởi tố mới bình quân 3 năm gần nhất từ 300 vụ/năm trở lên hoặc thụ lý, giải quyết số lượng vụ, việc dân sự, vụ án hành chính từ 1.500 vụ/năm trở lên được thành lập không quá 03 phòng.
Phan Đầm