VKSND tối cao vừa ban hành Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức, viên chức trong Ngành KSND, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 (Ban hành kèm theo Quyết định số 05/VKSTC-V15 ngày 22/12/2015 của Viện trưởng VKSND tối cao). Theo đó, Quy chế quy định rõ về điều kiện và tiêu chuẩn để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ, chức danh, cụ thể:
Công chức đề nghị bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải bảo đảm tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước và của Ngành đối với công chức, viên chức và tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định.
Trường hợp xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ phải bảo đảm các điều kiện: Trong diện quy hoạch chức vụ đó hoặc tương đương trở lên; có đầy đủ hồ sơ và thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục bổ nhiệm; được bổ nhiệm lần đầu phải còn đủ thời gian công tác ít nhất là 05 năm; trường hợp đã giữ chức vụ nhưng do nhu cầu công tác mà được điều động và bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương thì không tính tuổi như bổ nhiệm lần đầu; trường hợp đã từ chức, miễn nhiệm hoặc bị cách chức, giáng chức nếu được xem xét để bổ nhiệm thì việc tính tuổi để bổ nhiệm thực hiện như bổ nhiệm lần đầu; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao, được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận.
Không đề nghị bổ nhiệm đối với công chức, viên chức đang trong thời gian xem xét hoặc bị thi hành kỷ luật.
Công chức được xem xét bổ nhiệm chức danh tư pháp, ngoài các tiêu chuẩn chung của Đảng, Nhà nước quy định còn phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định.
Về trình tự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ, bổ nhiệm lại chức danh, có điểm mới so với trước đây. Đó là công chức thuộc đối tượng bổ nhiệm làm bản tự kiểm điểm đánh giá trong thời gian 03 năm công tác gần nhất (đối với bổ nhiệm lần đầu), trong nhiệm kỳ (đối với bổ nhiệm lại) về: Việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ; thái độ phục vụ nhân dân; tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ. Đơn vị có nhân sự được đề nghị bổ nhiệm tổ chức hội nghị toàn thể đơn vị hoặc cán bộ chủ chốt để tham gia ý kiến và lấy phiếu tín nhiệm, có sự giám sát của cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ; trước khi lấy phiếu, người được giới thiệu trình bày bản tự kiểm điểm, chương trình hành động (hoặc ý kiến về việc thực hiện nhiệm vụ) nếu được bổ nhiệm. Người đạt tín nhiệm trên 50% số phiếu thu về của hội nghị thì mới tiến hành các bước tiếp theo.
Quy chế cũng quy định rõ điều kiện bổ nhiệm lại, không bổ nhiệm lại, cụ thể:
Việc bổ nhiệm lại khi có đủ các điều kiện: Hết thời hạn giữ chức vụ hoặc chức danh và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong nhiệm kỳ; đạt tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm theo quy định; cơ quan, đơn vị có nhu cầu.
Không bổ nhiệm lại trong các trường hợp: Không đủ các điều kiện quy định về bổ nhiệm lại hoặc công chức, viên chức có nguyện vọng không bổ nhiệm lại; trong nhiệm kỳ công tác, công chức, viên chức có hai lần bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên; có hai năm trở lên bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ; để xảy ra từ 02 bị can, bị cáo trở lên bị đình chỉ do không phạm tội hoặc bản án có hiệu lực pháp luật tuyên bị cáo không phạm tội do lỗi của mình; để xảy ra sai phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do lỗi của mình.
Phạm Thị Liên - Bảo Thi