Ngày 30/12/2015, VKSND tối cao đã ban hành Thông tư số 01/2015/TT-VKSTC Quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên trong ngành Kiểm sát nhân dân; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/02/2016.
Theo đó, công chức và người lao động khi được tuyển dụng, tiếp nhận làm việc trong ngành Kiểm sát nhân dân được cấp trang phục theo quy định. Công chức khi được bổ nhiệm các chức danh tư pháp lần đầu được Viện trưởng VKSND tối cao cấp Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên theo quy định; được cấp đổi khi thay đổi chức danh tư pháp hoặc đơn vị công tác (trong Ngành). Trong trường hợp bị mất hoặc bị hư hỏng thì công chức phải báo cáo giải trình bằng văn bản với Thủ trưởng đơn vị để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cấp lại; phải nộp lại phù hiệu, cấp hiệu, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên cho Thủ trưởng đơn vị khi chuyển ngành, thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, cách chức, miễn nhiệm, buộc thôi việc, bị truy cứu trách nhiệm hình sự...
Trong thời gian giao mùa giữa mùa hè và mùa đông hoặc những địa phương có thời tiết trong ngày khác nhau, thì việc thống nhất mặc trang phục thu đông hoặc trang phục xuân hè do Thủ trưởng cơ quan quyết định.
Việc đội mũ kêpi, sử dụng lễ phục trong từng trường hợp do Thủ trưởng cơ quan, Trưởng Ban tổ chức Hội nghị quyết định.
Thông tư cũng quy định rõ những trường hợp không phải sử dụng trang phục, đó là do yêu cầu công tác, tiếp khách quốc tế, hội thảo quốc tế hoặc tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội. Nữ công chức trong thời gian mang thai từ tháng thứ 3 đến khi sinh con được 12 tháng tuổi, trừ trường hợp khi thực hiện nhiệm vụ theo quy định phải sử dụng trang phục.
Chỉ sử dụng Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Điều tra viên, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên trong khi thi hành nhiệm vụ. Công chức vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, Giấy chứng minh Kiểm sát viên, Giấy chứng nhận Kiểm tra viên bị nhắc nhở, phê bình, kiểm điểm, thông báo công khai trong đơn vị; tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Hồng Khoáng