Ngày 29/3/2016, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 80/TANDTC-PC hướng dẫn việc thi hành Điều 321 BLHS năm 2015 quy định về tội đánh bạc. Theo đó, tại Điều 321 BLHS năm 2015 quy định “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm...”. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong công tác xét xử tội phạm này theo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật hình sự và tinh thần Nghị quyết số 109/2015/QH13; TAND tối cao yêu cầu Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao trong quá trình giải quyết các vụ án đánh bạc cần lưu ý:
1. Kể từ ngày 09/12/2015 (ngày công bố BLHS năm 2015) đến hết ngày 30/6/2016, đối với người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
2. Kể từ ngày 01/7/2016, nếu hành vi đánh bạc trái phép dưới 5.000.000 đồng, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích mới bị phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử thì áp dụng quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 để tuyên bị cáo không phạm tội và đình chỉ vụ án.
3. Đồng thời với việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án, Tòa án phải ghi rõ trong quyết định hoặc trong bản án lý do của việc miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án là do chính sách hình sự mới nhân đạo của Nhà nước, chứ không phải oan sai do cơ quan tiến hành tố tụng gây ra; do đó, người được miễn trách nhiệm hình sự, đình chỉ vụ án không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Đối với các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng... (kể cả việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật) hoặc xét xử về các tội phạm khác, các bị cáo khác trong vụ án (nếu có) thì vẫn được giải quyết theo thủ tục chung. Trường hợp xét thấy hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cùng với việc đình chỉ vụ án, Tòa án phải chuyển quyết định đình chỉ vụ án kèm theo hồ sơ vụ án, tang vật, phương tiện của vụ vi phạm và đề nghị xử lý vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền.
GIANG HÀ