Thực hiện Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC-V9 ngày 10/01/2014 của Viện KSND tối cao về việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong ngành Kiểm sát nhân dân, với mục đích để làm căn cứ thực hiện việc quản lý, sử dụng cán bộ, công chức đúng chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xác định thực trạng tổ chức bộ máy, cán bộ và vị trí việc làm trong từng đơn vị, phòng để có kế hoạch phân bổ, điều chỉnh, bổ sung, sắp xếp bố trí cán bộ đảm bảo khoa học, phù hợp với từng vị trí việc làm, từng ngạch công chức cụ thể; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn phù hợp, phát huy năng lực, khả năng công tác và hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức trong toàn Ngành.
Xác định, đây là một bước trong Kế hoạch thực hiện cải cách chế độ công vụ, công chức trong ngành kiểm sát nhân dân; Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã kịp thời tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên hai cấp Viện KSND cấp tỉnh và huyện nội dung thực hiện Hướng dẫn số 04/HD-VKSTC-V9 ngày 10/01/2014 của Viện KSND tối cao về xây dựng Đề án vị trí việc làm trong ngành KSND trên cơ sở căn cứ Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ; Thông tư số 05/2013/TT-BNV ngày 25/6/2013 của Bộ Nội vụ (hướng dẫn thực hiện Nghị định 36/2013/NĐ-CP) về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức để thực hiện xây dựng đề án phù hợp với từng đơn vị.Thành lập Tổ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm Viện KSND tỉnh để tiến hành hướng dẫn công tác xây dựng Đề án vị trí việc làm cho các đơn vị Viện KSND cấp huyện và các phòng thuộc Viện KSND tỉnh gồm3 đồng chí;thành lập Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên, gồm7 đồng chí do đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên làm Chủ tịch Hội đồng.
Đây là một công việc mới và khó, nên trong quá trình triển khai các đơn vị gặp nhiều khó khăn,vướng mắc, lúng túng, chưa mô tả được khối lượng công việc đã và đang thực hiện ở vị trí của mình được giao; việc phân nhóm công việc, bước xác định vị trí việc làm và danh mục vị trí việc làmcác đơn vị cấp huyện thời gian đầu chưa có sự thống nhất, đa phần các đơn vị chia vị trí việc làm theo khâu công tác (kể cả các đơn vị nhiều án). Bước xây dựng bản mô tả công việc của từng vị trí việc làm, nhiều đơn vị phản ánh khó thực hiện. Về tổng hợp danh mục việc làm và biên chế, các đơn vị cấp huyện và một số đơn vị cấp phòng có chức năng, nhiệm vụ giống nhau nhưng việc xác định vị trí việc làm ở mỗi đơn vị lại khác nhau… Do đó, rất khó cho công tác tổng hợp vị trí việc làm (ở phụ lục số 8) đối với toàn tỉnh. Trong thực tế, có vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận và vị trí việc làm kiêm nhiệm (một người làm nhiều việc, nhiều vị trí việc làm). Ở mục dự kiến biên chế, các đơn vị thường ghi số biên chế cần thiết cho các vị trí nhưng không xác định là kiêm nhiệm hay không kiêm nhiệm nên số biên chế tăng lên nhiều so với nhu cầu thực tế của vị trí việc làm.
Với trách nhiệm được Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh giao, Tổ hướng dẫn xây dựng Đề án vị trí việc làm Viện KSND tỉnh Phú Yên thường xuyên theo dõi, hướng dẫn chi tiết, cụ thểtheo quy trình8 bước: thống kê công việc; phân nhóm công việc; xác định các yếu tố ảnh hưởng; thống kê đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức; xác định ngạch công chức tương ứng… Trên cơ sở đó, các đơn vị đã hình thành và xây dựng hoàn chỉnh Đề án vị trí việc làm của đơn vị mình.
Qua hơn 3 tháng triển khai, thực hiện, đến nay Hội đồng thẩm định Đề án vị trí việc làm Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã có cơ sở thống nhất phê duyệt Đề án và trình Viện KSNDTC xem xét với: 6 vị trí việc làm thuộc nhóm công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành; 30 vị trí việc làm thuộc nhóm công việc hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; 17 vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ; 5 vị trí hợp đồng lao động 68/C và dự kiến biên chế cần có cho Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp tỉnh và huyện đủ để thực hiện các chức năng nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; đảm bảo kiện toàn đủ chức vụ lãnh đạo quản lý. Về cơ cấu ngạch công chức xác định Chuyên viên chính và tương đương: 41 người, chiếm tỷ lệ 24,7 %; Chuyên viên và tương đương: 121 người, chiếm tỷ lệ 72,9 % (trong đó Kiểm sát viên sơ cấp 74 người, chiếm tỷ lệ 44,6 %; Chuyên viên 47 người, chiếm tỷ lệ 28,3%); Cán sự và tương đương: 3 người; chiếm tỷ lệ 1,8 %; Nhân viên: 1 người, chiếm tỷ lệ 0,6 %.
Đây chỉ là một bước khởi đầu việc xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức. Để đề án được tổ chức thực hiện trên thực tế, đồng thời tiếp tục được hoàn thiện cả về mặt phương pháp và tính khoa học, chính xác đối với từng vị trí việc làm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã có kiến nghị và đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét tiếp tục chỉ đạo, hoàn chỉnh Đề án để có cơ sở triển khai thực hiện.
Liên Phạm - Phan Đầm