Đ/c Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại cuộc họp
Ngày 18/3/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì họp với Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và các bộ, ngành Trung ương về Đề án tiền lương, phụ cấp của ngành Kiểm sát nhân dân. Dự và chủ trì cuộc họp có đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Văn Thuân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Đại diện Lãnh đạo và các đơn vị liên quan Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban tư pháp Quốc hội, Bộ Nội Vụ, Bộ Tài chính, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi họp.
Đ/c Đinh Văn Đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ VKSNDTC trình bày
Tờ trình đề nghị tiền lương và phụ cấp đối với KSV, ĐTV, KTV, công chức,
viên chức ngành KSND
viên chức ngành KSND
Tại cuộc họp, đồng chí Đinh Văn Đàn, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình đề nghị quy định chế độ tiền lương và đặc thù đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005, Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; trong đó, xác định ngành Kiểm sát phải thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Ngày 24/11/2014, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoa XIII, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, có hiệu lực từ ngày 01/6/2015. So với Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2002 thì Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã có sự thay đổi 03 ngạch Kiểm sát viên như trước đây chuyển thành 04 ngạch Kiểm sát viên. Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn lương chức vụ, bảng phụ cấp chức vụ đối với cán bộ lãnh đạo Nhà nước; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, ngành Kiểm sát. Căn cứ quy định tại Điều 95, Điều 96 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 về việc Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên có thang bậc lương riêng và cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân được hưởng chế độ đặc thù, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng tờ trình đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị Quyết quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đặc thù đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân.
Các đại biểu tham dự tại cuộc họp
Tại cuộc họp, các đại biểu phát biểu tham gia đóng góp ý kiến về các nội dung như: Thang bậc lương, hệ số lương của Kiểm sát viên, Điều tra viên các cấp, Kiểm tra viên và các chức danh quản lý hành chính, sự nghiệp, nghiệp vụ theo quy định mới của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Phát biểu Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hải Phong, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cảm ơn và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong các bộ, ngành Trung ương tham gia về Đề án tiền lương, phụ cấp ngành Kiểm sát nhân dân tham dự cuộc họp. Phó Viện trưởng Nguyễn Hải Phong cho biết trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân; bảng lương chuyên môn của ngành Tòa án, ngành Kiểm sát đã bộc lộ một số bất cập: Có một số chức vụ đã được quy định trong Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 nhưng chưa được quy định phụ cấp như: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Ủy ban kiểm sát các cấp…, hoặc giao trách nhiệm thêm nhưng chưa quy định về phụ cấp cho phù hợp, như với Viện trưởng, Phó Viện trưởng cấp huyện sau khi được tăng thẩm quyền. Theo Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối caoNguyễn Hải Phong, Đề án tiền lương, phụ cấp cho các cơ quan tư pháp trong đó có ngành Tòa án và Kiểm sát được phê duyệt sẽ góp phần khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, công chức trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới.
Nguồn: VKSNDTC