Ngày 14/5/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự án Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có các đồng chí Đặng Thị Kim Chi - Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Phú Yên; đồng chí Nguyễn Thái Học - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban tư pháp QH khóa XIII, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội luật gia tỉnh; các đ/c Lãnh đạo các cơ quan nội chính tỉnh Phú Yên.
Về Ngành kiểm sát có đồng chí Nguyễn Hữu Phúc - Tỉnh ủy viên, Bí thư ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, chủ trì Hội thảo; các đồng chí Lãnh đạo Viện KSND tỉnh, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng VKSND tỉnh, Viện trưởng Viện KSND cấp huyện.
Đồng chí Nguyễn Hữu Phúc – Viện trưởng VKSND tỉnh phát biểu
khai mạc Hội thảo.
Tại Hội thảo, các đồng chí Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Phú Yên đã giới thiệu dự thảo Tờ trình Quốc hội về Dự án Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi) và Bản thuyết minh chi tiết về Dự án Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến, Viện KSND tỉnh Phú Yên tổng hợp như sau:
Các ý kiến tham gia Hội thảo đều thống nhất cao với sự cần thiết phải ban hành Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và cho rằng Dự thảo Luật được xây dựng một cách công phu, nghiêm túc, khoa học; đã quán triệt và thể chế hóa các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, nhất là những quy định có liên quan trực tiếp đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
- Về kết cấu, bố cục các chương, điều, khoản: Các ý kiến đều thống nhất như Dự thảo.
Đ/c Nguyễn Thái Học -Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ủy ban tư pháp QH khóa XIII,
Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội luật gia tỉnh
phát biểu tại Hội thảo.
- Về nội dung:
Các ý kiến đóng góp về cơ bản đều nhất trí cao với các quy định của Dự thảo, đã tập trung góp ý những nội dung mới như mô hình Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện; việc duy trì và vai trò Ủy ban kiểm sát; các vấn đề về bổ nhiệm, nhiệm vụ, nhiệm kỳ của Kiểm sát viên; tuổi nghỉ hưu của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao…
1- Điều 4 quy định về thẩm quyền của Viện kiểm sát khi thực hiện chức năng:
Tại điểm đ khoản 1 quy định “ Luận tội, tranh tụng, phát biểu quan điểm tại Toà án”. Đề nghị sửa là: “Luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm tại phiên toà” cho phù hợp.
2- Điều 5 quy định về quyền yêu cầu, quyền kiến nghị, kháng nghị của VKSND:
Tại khoản 2 Điều này chỉ quy định cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xem xét, tiếp thu và trả lời kiến nghị của VKS. Đề nghị bổ sung quy định về thời hạn trả lời kiến nghị của VKS của các cơ quan, tổ chức để đảm bảo hiệu lực của các kiến nghị.
3 - Điều 41 quy định về mô hình của VKSND cấp huyện:
Thống nhất Phương án 2, Viện kiểm sát được tổ chức theo hệ thống 4 cấp, trong đó có một cấp mới là Viện kiểm sát cấp cao với chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ, việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.
Về mô hình VKSND cấp huyện, cần giữ nguyên như hiện nay để đảm bảo thực hiện có hiệu quả một trong những chủ trương quan trọng của cải cách tư pháp, đó là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, thực hiện cơ chế công tố gắn với điều tra; bảo đảm yêu cầu xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận công lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người dân, Nhà nước và xã hội.
Các đại biểu tham gia góp ý kiến.
4 - Các Điều 44, 46, 48, 86, 89 quy định về UBKS của Viện KSND:
Về cơ bản đều nhất trí việc Dự thảo quy định về Ủy ban Kiểm sát là rất cần thiết, phù hợp về mặt lý luận đã được chứng minh qua thực tiễn hơn 50 năm hoạt động của VKSND, đảm bảo sự kết hợp hài hòa, có hiệu quả giữa nguyên tắc tập trung thông nhất, lãnh đạo trong ngành (nguyên tắc đặc thù của ngành Kiểm sát) với nguyên tắc tập trung dân chủ.
Cũng có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải quy định thiết chế Ủy ban kiểm sát vào luật để tạo quyền chủ động cho Viện trưởng VKSND.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật; nghị quyết của Ủy ban Kiểm sát VKSNDTC về việc hướng dẫn áp dụng pháp luật, sau khi có ý kiến thống nhất của Chánh án TANDTC và Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ là văn bản quy phạm pháp luật.
5 - Điều 63 quy định về Kiểm sát viên:
Về cơ bản nhất trí với Dự thảo quy định KSV chỉ được bổ nhiệm để làm các công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để gắn với chức danh tư pháp, đề cao vai trò, trách nhiệm của chức danh KSV.
6 - Điều 66 quy định về nhiệm kỳ của Kiểm sát viên:
Thống nhất Phương án 1, Kiểm sát viên Viện KSND tối cao được bổ nhiệm không thời hạn vì đây là những người có nhiều kinh nghiệm, có trình độ chuyên môn cao, đã kinh qua các ngạch, bậc KSV. Các kiểm sát viên khác được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 5 năm, bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch là 10 năm.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Phúc- Tỉnh ủy viên, Bí thư ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên, chủ trì Hội thảo đã đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc của các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng Dự án Luật tổ chức Viện KSND (sửa đổi). Thay mặt Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đồng chí cảm ơn, ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực, đầy trách nhiệm của các đại biểu về dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ, báo cáo với Ban soạn thảo Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) – Viện KSND tối cao để nghiên cứu, tiếp thu nhằm góp phần hoàn thiện Luật tổ chức VKSND. Đồng thời, đồng chí cũng mong muốn các Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên nghiên cứu, xem xét sử dụng kết quả Hội thảo này làm cơ sở để tham gia ý kiến xây dựng Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) tại diễn đàn Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.
Ngọc Thảo - Hồng Văn