Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên được thành lập cùng với sự tái lập tỉnh Phú Yên tháng 7/1989. Sau nhiều năm xây dựng, củng cố và kiện toàn, đến nay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kiểm sát viên được bổ nhiệm đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn về chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực quản lý điều hành; luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, vô tư trong công tác; được cán bộ, công chức cơ quan, các ban ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp và nhân dân nơi cư trú tín nhiệm.
Việc bổ nhiệm chức danh, chức vụ lãnh đạo quản lý trong những năm qua Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã tiến hành đúng quy trình, thủ tục chặt chẽ. Hầu hết các trường hợp cán bộ được bổ nhiệm mới và bổ nhiệm lại đều phát huy được năng lực trong công tác.
Tuy nhiên, so với quy định về số lượng, cơ cấu và nhu cầu về số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chức danh pháp lý, tính đến thời điểm hiện nay còn thiếu 01 Phó Viện trưởng tỉnh, 02 Trưởng phòng, 03 Phó Trưởng phòng, 03 Phó Viện trưởng cấp huyện; 10 Kiểm sát viên trung cấp; 16 Kiểm sát viên sơ cấp.Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị chưa thực sự đổi mới; chất lượng của một bộ phận cán bộ, Kiểm sát viên còn hạn chế; năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp ở một số Kiểm sát viên chưa cao, nhất là chất lượng tranh tụng tại các phiên toà. Chất lượng và cơ cấu cán bộ vẫn còn có mặt chưa ngang tầm với thời kỳ đẩy mạnh CNH -HĐH đất nước.
Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt chủ trương, định hướng, quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành trong công tác cán bộ thời kỳ mới; xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Ngành xây dựng đội ngũ cán bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ Kiểm sát viên “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên nghiên cứu xây dựng chuyên đề: “Nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chức danh, chức vụ quản lý của Viện KSND tỉnh Phú Yên”. Nội dung Chuyên đề gồm 4 phần, đó là: sự cần thiết phải nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chức danh, chức vụ quản lý của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên; thực trạng công tác bổ nhiệm chức danh, chức vụ quản lý của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên thời gian qua; các giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chức danh, chức vụ quản lý của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên và những đề xuất, kiến nghị. Trong đó, chuyên đề đã đề ra các giải pháp xây dựng và nâng cao chất lượng công tác bổ nhiệm chức danh, chức vụ quản lý của viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên trong thời gian đến, cụ thể:
Xây dựng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo - quản lý và chức danh pháp lý nhằm tạo ra một cơ chế minh bạch trong bổ nhiệm cán bộ. Tiêu chuẩn chung của cán bộ nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII), Pháp lệnh kiểm sát viên; Quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử (ban hành kèm theo quyết định số 2728-QĐ/TU ngày 29/11/2007) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, Công văn số 3470-CV/BTCTU ngày 21/02/2014 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phú Yên về việc thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử (sửa đổi, bổ sung). Ngoài các tiêu chuẩn chung, người được đề nghị bổ nhiệm phải đạt tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và của ngành kiểm sát nhân dân.Căn cứ vào quy định tiêu chuẩn từng chức vụ lãnh đạo, quản lý và chức danh Kiểm sát viên, lãnh đạo các đơn vị quán triệt cho cán bộ, công chức đơn vị nắm vững để phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý đã được phê duyệt, phòng tổ chức cán bộ có trách nhiệm tham mưu lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển để đảm bảo tiêu chuẩn khi được xem xét và làm quy trình để bổ nhiệm, bổ nhiệm lại.
Xuất phát từ quan điểm, chủ trương của Đảng về thi tuyển chức vụ lãnh đạo, quản lý, cán bộ có chức danh pháp lý. Trong thời gian đến, cần đổi mới, tạo bước đột phá thi để tuyển chọn nguồn bổ nhiệm. Việc tổ chức thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, chức danh pháp lý đảm bảo nguyên tắc sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ; thực hiện cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ. Số cán bộ được đưa vào diện quy hoạch đã được rà soát, đánh giá một cách dân chủ, khách quan theo tiêu chuẩn của chức vụ, chức danh cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc "động” và "mở"; chỉ quy hoạch cán bộ lên chức vụ cao hơn. Hàng năm, có sự rà soát bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp, lựa chọn đưa vào quy hoạch những nhân tố mới, đồng thời đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đánh giá cán bộ, công chức. Trong đó, nhận xét, đánh giá phải căn cứ vào hệ thống tiêu chuẩn chức danh; chú trọng đánh giá hiệu quả hoạt động thực tiễn của mỗi cán bộ, công chức; phải được xem xét trong một quá trình.Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ phải làm thường xuyên, theo định kỳ hằng năm và trước khi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng các mặt để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Việc đào tạo cán bộ được thực hiện trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tiêu chuẩn hóa từng chức danh. Quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Kiểm sát viên gắn với đẩy mạnh thực hiện tốt việc “Học tập và theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ nhằm đào tạo bồi dưỡng, rèn luyện thử thách cán bộ; tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo trong quy hoạch được học tập, bổ sung thêm kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn trong công tác lãnh đạo, quản lý; tạo nguồn cán bộ trước mắt và lâu dài cho ngành.
Quan tâm công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý, Kiểm sát viên đảm bảo tiêu chuẩn chính trị theo Quy định số 57- QĐ/TW ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về “một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”, Quy chế số 05/QĐ-BCSĐ ngày 01-4-2008 của Ban cán sự Đảng Viện KSND tối cao về công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân; Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW ngày 26-11-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về thực hiện chính sách sử dụng và quản lý cán bộ đảng viên có vấn đề lịch sử chính trị; định kỳ tiến hành rà soát hồ sơ, lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên.
Liên Phạm – Phan Đầm