Thứ Bảy, 20/04/2024 13:42 CH

Diễn văn của đồng chí Lê Trung Hưng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KSND

Chiều ngày 17/7/2020, tại Nhà văn hóa Lao động tỉnh, VKSND tỉnh tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KSND (26/7/1960 – 26/7/2020), đồng chí Lê Trung Hưng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tỉnh đọc diễn văn tại buổi Lễ. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài diễn văn.


- Kính thưa đ/c Lương Minh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh!


- Kính thưa các đồng chí đại biểu, thưa toàn thể các đồng chí!


Hôm nay, trong không khí vui tươi phấn khởi , toàn tỉnh tập trung nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế sau thời gian phòng chống dịch Covid 2019, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chào mừng kỷ niệm 75 năm cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh 2/9 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, VKSND tỉnh Phú Yên long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân (26/7/1960- 26/7/2020). Trước hết, cho phép tôi được thay mặt Ban cán sự đảng, lãnh đạo Viện và toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên nhiệt liệt chào mừng đồng chí đ/c Lương Minh Sơn- PBTTTTU- Trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, UBND, UBMTTQVN tỉnh; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí nguyên là Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí Lãnh đạo các ban Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật, đại biểu các sở, ban, ngành đoàn thể của tỉnh; các đ/c Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,thành phố; các đồng chí đại biểu và khách quí; phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã đến dự và đưa tin. Trân trọng gửi lời chào và chúc mừng thân thiết tới các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý trong ngành đã nghỉ hưu, chuyển công tác, cùng toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh ta nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành kiểm sát nhân dân.



Đ/c Lê Trung Hưng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKS tỉnh
đọc diễn văn Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành KSND


Trong giờ phút trọng đại này, cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên bồi hồi xúc động, tưởng nhớ và mãi mãi biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại! Người sáng lập Nhà nước ta, sáng lập ngành Kiểm sát nhân dân; tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Hoàng Quốc Việt kính mến- Người Viện trưởng đầu tiên của ngành Kiểm sát nhân dân Việt Nam, biết ơn các đồng chí cán bộ lão thành, các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền đã có những công lao đóng góp quý báu cho việc xây dựng, tổ chức và hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua.


- Kính thưa các đồng chí!


Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước. Hiếp pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960 quy định: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhà nước, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động theo các nguyên tắc chung của bộ máy Nhà nước ta, đồng thời có một nguyên tắc đặc thù là tập trung thống nhất, lãnh đạo trong ngành.


Trong 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương và địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, ngành Kiểm sát đã ra sức phấn đấu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các quyền dân chủ của nhân dân. Bằng những kết quả của các lĩnh vực công tác kiểm sát, Ngành Kiểm sát đã góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà, cũng như vào thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.


Trong những năm đầu mới thành lập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân tập trung phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân, trấp áp đối tượng phản cách mạng và tội phạm. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, công tác kiểm sát đã kịp thời chuyển hướng hoạt động, phục vụ các yêu cầu của thời chiến trên cả hai mặt trận sản xuất và chiến đấu. Tập trung khắc phục các biểu hiện buông lỏng thời chiến, vi phạm các quyền dân chủ của nhân dân. Với mục tiêu hàng đầu là giữ vững an ninh chính trị, xây dựng hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa vững mạnh, kịp thời chi viện cho tiền tuyến lớn Miền nam, nghiêm trị đối tượng làm gián điệp, biệt kích và phản động, đấu tranh chống tội phạm gây cản trở việc chi viện cho tiền tuyến và các hành vi xâm phạm tài sản, chính sách hậu phương quân đội.


Năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, Ngành Kiểm sát nhân dân được tổ chức và hoạt động trên phạm vi cả nước. Thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IV của Đảng, toàn Ngành kiểm sát đã đẩy mạnh các hoạt động phục vụ có hiệu quả công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.


Từ năm 1986 đến nay, quán triệt quan điểm đổi mới và nội dung cải cách tư pháp được đề cập trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XII và các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, ngành Kiểm sát đã có sự đổi mới về nhận thức, về tổ chức cán bộ, kiện toàn tổ chức bộ máy, thực hiện chức năng nhiệm vụ kiểm sát, tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm triển khai thi hành tốt Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các đạo luật mới về tư pháp. Nhờ thực hiện chủ trương và biện pháp đổi mới đó, Ngành kiểm sát nhân dân góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo điều kiện ổn định để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.


Kính thưa các đồng chí!


Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 01/7/1989, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên được thành lập theo Quyết định số 81/QĐTC ngày 04/7/1989 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sự phấn đấu xây dựng và trưởng thành ấy được ghi dấu đậm nét qua từng giai đoạn lịch sử thể hiện trên tất cả các lĩnh vực công tác kiểm sát.


- Giai đoạn 1989- 2001: Ngay sau khi mới thành lập, ngành Kiểm sát tỉnh Phú Yên đã sớm ổn định tổ chức cán bộ, khắc phục nhiều khó khăn, triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ tại địa phương. Công tác kiểm sát tập trung kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, bám sát các Nghị quyết của Trung ương, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, những chủ trương lớn của Nhà nước của tỉnh ta về phát triển kinh tế- xã hội, tập trung kiểm sát những ngành kinh tế trọng điểm có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kiểm sát văn bản quy phạm pháp luật, ban hành kháng nghị, kiến nghị xử lý, khắc phục vi phạm pháp luật, góp phần tăng cường công tác quản lý kinh tế xã hội theo đúng quy định của pháp luật.


- Giai đoạn 2002-2010: Năm 2002 đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của VKSND nói chung và VKSND tỉnh Phú Yên nói riêng, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) và Luật Tổ chức VKSND năm 2002 đã quy định: VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp (không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật lĩnh vực hành chính, kinh tế xã hội nữa). Thực hiện các quy định của Luật Tổ chức VKSND năm 2002 và các văn bản pháp luật có liên quan, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp như Chỉ thị số 53-CT/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, VKSND tỉnh Phú Yên đã có nhiều biện pháp đổi mới trong thực hành quyền cống tố, đấu tranh chống làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp, phát hiện và ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục các vi phạm pháp luật. Chú trọng xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên giữ gìn phẩm chất đạo đức, đặc biệt là việc nâng cao tiêu chuẩn về trình độ pháp lý của đội ngũ Kiểm sát viên để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.


- Giai đoạn từ năm 2010 đến nay: Quán triệt Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội về những nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các năm từ 2011 đến 2015, đặc biệt là những chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, từ năm 2011 đến năm 2014, thực hiện chủ trương “Đổi mới, chất lượng, kỷ cương, hướng về cơ sở”, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến thật sự trên các mặt công tác, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và của Ngành.


Ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh xác định và thực hiện phương châm công tác “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả”, tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Triển khai thi hành tốt các đạo luật liên quan đến Ngành như Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các đạo luật mới về tư pháp; Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức điều tra hình sự năm 2015, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật tố tụng hành chính năm 2015... Tăng cường trách nhiệm công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật; xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay. Triển khai, thực hiện và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo yêu cầu Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp.


Xác định nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Ngành,trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự,ngành Kiểm sát tỉnh Phú Yên tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, bảo đảm mọi hoạt động điều tra đúng pháp luật; đề cao trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu trong hoạt động công tố; tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật, phát hiện và xử lý nghiêm minh các loại tội phạm về an ninh quốc gia, tham nhũng, ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của các cơ quan tư pháp, bảo đảm cho hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Qua từng năm công tác, ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã có nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, chọn khâu công tác đột phá, nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm, hạn chế không để xảy ra việc bắt, giam giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử oan sai, công tác thi hành án tuân thủ đúng pháp luật, góp phần giữ vững anh ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh nhà.


Một trong những sáng kiến nổi bật là việc đổi mới để nâng cao hiệu quả, chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại. Năm 2018, Ban cán sự đảng VKSND tỉnh đã ban hành văn bản, kèm theo danh sách các vụ án bị hủy, án tồn đọng của nhiều năm trước, đề nghị Đảng ủy Công an tỉnh, Ban cán sự đảng TAND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng và các cơ quan tố tụng chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm các vụ việc này. Chủ động phối hợp với Công an, TAND hai cấp tỉnh và huyện, Ban Nội chính tỉnh ủy tỉnh tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp nhằm hạn chế án hình sự sơ thẩm bị hủy để điều tra, xét xử lại”. Năm 2019, quyết định chọn khâu công tác đột phá “đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại”, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp tỉnh, Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 33/CT-TU ngày 08/5/2019 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp trong việc giải quyết án tồn, án bị hủy để điều tra, xét xử lại”. Kết quả đến nay, VKSND đã cùng với các cơ quan tư pháp giải quyết án có hiệu lực pháp luật 35/37 vụ. Với kết quả đạt được, Viện trưởng VKSND tối cao đã ghi nhận, biểu dương và tặng Bằng khen đột xuất đối với VKSND tỉnh Phú Yên trong thực hiện có hiệu quả khâu công tác đột phá và đạt thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 06/CT-VKSTC về tăng cường trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra.


Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự, trọng tâm là nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa, Việnkiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên đã chú trọng bám sát những nội dung chỉ đạo tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao. Phối hợp với Tòa án trong giải quyết án hình sự và tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; nhất là phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm có số hóa hồ sơ vụ án, công khai chứng cứ “điện tử” bằng hình ảnh tại phiên tòa qua trình chiếu tài liệu, hình ảnh chứng minh tội phạm một cách trực quan, sinh động, đã góp phần nâng cao tính thuyết phục đối với những người tham gia tố tụng; được Hội đồng xét xử ghi nhận và đánh giá cao về kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục pháp luật sâu, rộng đến quần chúng nhân dân. Đây là bước đột phá của VKSND tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp.


Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp, nhất là công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, lao động, kinh doanh thương mại và những việc khác theo quy định của pháp luật, mặc dù khối lượng công việc tăng cao nhưng Viện kiểm sát hai cấp đã có nhiều biện pháp làm tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên tại phiên tòa, nâng cao chất lượng nội dung phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa, phiên họp; từng bước thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định mới của các đạo luật tư pháp; chất lượng, hiệu quả các kháng nghị, kiến nghị được nâng lên.


Công tác tiếp dân, kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân được coi trọng; định kỳ, phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các cấp, các ngành tham gia tiếp công dân, kịp thời tuyên truyền, giải thích chính sách pháp luật, tư vấn xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực hành chính mới phát sinh, hạn chế khiếu kiện kéo dài, vượt cấp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Qua công tác kiểm sát, VKSND tỉnh đã tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, ban hành nhiều kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ban, ngành trong công tác quản lý nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh nhà.


Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới như chú trọng khen thưởng đột xuất, khen thưởng về thành tích xuất sắc trong công tác chuyên môn, nhiệm vụ; tổ chức phong trào thi đua theo cụm, khối;… coi đây là động lực phấn đấu và là căn cứ quan trọng đánh giá tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Đã tổ chức triển khai nhiều phong trào thi đua thiết thực, gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành, của địa phương; tổ chức Lễ báo công dâng Bác tại nhà thờ Bác Hồ xã Sơn Định, Sơn Hòa; tổ chức Hội nghị điển hình tiên tiến nhân dịp hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân. Thông qua các phong trào thi đua của Viện kiểm sát hai cấp đã kịp thời nhân rộng những điển hình tiên tiến, giới thiệu tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật để nêu gương, học tập trong toàn Ngành.


Trong công tác xây dựng ngành, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý chỉ đạo điều hành, đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc lãnh đạo tập trung thống nhất trong Ngành, tăng cường công tác xây dựng ngành với xây dựng Đảng và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh.


So với những ngày đầu mới thành lập, VKSND tỉnh Phú Yên chỉ có 14 đồng chí được phân công điều động từ VKSND tỉnh Phú Khánh; 07 VKSND cấp huyện chỉ có 32 cán bộ, trong đó có 07 người có trình độ cao đẳng kiểm sát, 12 người có trình độ trung cấp kiểm sát, số còn lại mới được đào tạo qua các lớp nghiệp vụ ngắn hạn, Chi bộ VKSND tỉnh chỉ có 09 đảng viên. Điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác và sinh hoạt còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn…Xác định công tác cán bộ là nhân tố quyết định mọi thành công, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo viện đã tập trung ổn định tổ chức bộ máy, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ hiện có để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Đồng thời có kế hoạch tập trung cho công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và lâu dài lực lượng cán bộ, công chức của ngành, từng bước đảm đương nhiệm vụ. Những năm gần đây, Ban cán sự Đảng đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả 04 kế hoạch của Ban cán sự đảng về công tác cán bộ, cụ thể Kế hoạch số 26-KH/BCSĐ ngày 17/3/2017 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý của VKSND tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017- 2021; kế hoạch số 27-KH/BCSĐ ngày 17/3/2017 về chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức VKSND tỉnh Phú Yên giai đoạn 2017- 2021; Kế hoạch số 28-KH/BCSĐ ngày 17/3/2017 về thực hiện việc bố trí Viện trưởng VKSND cấp huyện không phải là người địa phương; Kế hoạch số 123-KH/BCSĐ ngày 26-7-2019 xây dựng đội ngũ cán bộ, quản lý VKSND hai cấp tỉnh và huyện ở Phú Yên đến năm 2026 nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Đã kiện toàn tổ chức, bộ máy các đơn vị cấp phòng trực thuộc VKSND tỉnh, sáp nhập Văn phòng tổng hợp với Phòng Thống kê tội phạm và công nghệ thông tin; phòng 1 với phòng 3; phòng 8 với phòng 11; phòng 12 với Thanh tra. Sau khi sáp nhập đã giảm 04 phòng.


Đến nay, toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên có 07 phòng và 09 Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố với tổng số 164 người (cấp tỉnh 54 người, cấp huyện 110 người. Có 01 Kiểm sát viên cao cấp, 34 kiểm sát viên trung cấp, 63 kiểm sát viên sơ cấp, 34 kiểm tra viên, chuyên viên và tương đương, 3 cán sự và tương đương, 29 nhân viên. Về trình độ lý luận chính trị, 30 người có trình độ Cao cấp chính trị, 17 người có trình độ Trung cấp chính trị; 08 đồng chí có trình độ Thạc sĩ , 128 đồng chí có trình độ Đại học Luật và đại học khác. Đảng bộ VKSND tỉnh có 7 chi bộ trực thuộc với52 đảng viên, 09 VKSND huyện, thị xã, thành phố có Chi bộ Đảng hoạt động, hằng năm Đảng bộ và các chi bộ cơ sở trong toàn ngành liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… hoạt động có hiệu quả, tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong cơ quan, đơn vị.


Việc tuyển chọn, nhận xét, đánh giá đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ luôn đảm bảo trung thực, khách quan, công tâm, công khai, công bằng, dân chủ, vì sự phát triển lớn mạnh của ngành KSND tỉnh nhà. Mọi vấn đề có liên quan đến công tác cán bộ đều xuất phát từ trái tim trong sáng, vì vậy, đã tạo được sự đoàn kết, nhất trí và quyết tâm của từng cán bộ, công chức cùng chung sức, chung lòng xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên vừa “hồng” vừa “chuyên”; “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm, đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp trong tình hình mới.


Cơ sở vật chất của VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện những năm gần đây được đầu tư đáng kể, đã nâng cấp cải tạo, xây dựng mới trụ sở VKSND tỉnh và các VKSND cấp huyện. Mạng lưới công nghệ thông tin, cơ yếu ngày càng được tăng cường theo hướng hiện đại để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý chỉ đạo, điều hành.


Nhìn lại chặng đường 31 năm qua, cán bộ, Kiểm sát viên, công chức ngành Kiểm sát nhân dân ở tỉnh ta đã đoàn kết thống nhất, kề vai sát cánh cùng nhau vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng phấn đấu tôi luyện và trưởng thành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch công tác của ngành và phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. VKSND tỉnh Phú Yên vinh dự 15 lần được nhận cờ dẫn đầu thi đua toàn ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng VKSND tối cao tặng; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, hạng Nhì và hạng Nhất; 2 lần được tặng Cờ thi đua Chính phủ; 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Tổ chức Đảng và các đoàn thể luôn được công nhận là đơn vị trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.


Đạt được những kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao, của Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tư pháp, sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân trong tỉnh và sự cố gắng của toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên, công chức của ngành đã nắm bắt và kịp thời triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Trung ương Đảng, của Quốc hội, các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, các Nghị quyết của Tỉnh ủy, đã kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, trình độ và ý thức trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân huyện, thị xã, thành phố từng bước đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới.


Bên cạnh những thành tích và kết quả đã đạt được, so với yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và chức năng, nhiệm vụ của ngành thì Viện kiểm sát Phú Yên vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm trong từng khâu công tác, nhất là còn để xảy ra việc đình chỉ điều tra vì không đủ yếu tố cấu thành tội phạm; Cán bộ được đào tạo sau đại học còn thấp, ít có cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về chuyên ngành kiểm sát trên từng lĩnh vực.





Toàn cảnh buổi Lễ


Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam và qua 31 năm xây dựng và phát triển, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Yên rút ra một số bài học kinh nghiệm dưới đây:


Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ngành Kiểm sát là nhân tố quyết định hiệu quả hoạt động của VKSND.


Nguyên tắc Đảng lãnh đạo nhà nước, lãnh đạo xã hội là nguyên tắc cơ bản được quy định trong Hiến pháp nhà nước ta, hoạt động công tác kiểm sát là hoạt động của cơ quan trong bộ máy nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì vậy, công tác kiểm sát phải quán triệt đường lối chính sách của Đảng vào việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ công tác kiểm sát. Xác định công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, hoạt động kiểm sát là phục vụ nhiệm vụ chính trị.


Để xây dựng ngành Kiểm sát thật sự trong sạch, vững mạnh phát huy hiệu quả hoạt động, ngành kiểm sát phải thường xuyên quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng để xác định nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, đổi mới về tổ chức và hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ. Chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng những vấn đề về xây dựng ngành, xây dựng Đảng, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Ban cán sự đảng VKSND tỉnh phải thường xuyên báo cáo công tác với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, quan hệ công tác chặt chẽ với các ban Đảng của Tỉnh ủy, Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy để bảo đảm hoạt động của VKSND phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương.


Hai là, thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh.


Công tác cán bộ luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát vững vàng về chính trị, am hiểu về chuyên môn nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, có tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp là yếu tố quyết định thành công của hoạt động kiểm sát.


Vì vậy, ngành kiểm sát tỉnh Phú Yên luôn quan tâm và tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch và luân chuyển cán bộ theo tinh thần đổi mới. Cùng với công tác cán bộ phải tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới; thiết lập được cơ chế quản lý, chỉ đạo, điều hành có hiệu quả.


Ba là, xác định nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành Kiểm sát nhân dân; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.


Xuất phát từ việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân là nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, do đó các bản Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân từ năm 1959 đến nay đều ghi nhận Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức theo chế độ tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát cấp dưới đều thừa hành quyền lực của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên để thực thi nhiệm vụ.


Người đứng đầu đơn vị là người chịu trách nhiệm toàn bộ về tổ chức, hoạt động của đơn vị mình, nếu người đứng đầu có tâm, có tầm và có phương pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành tốt sẽ đưa chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát ngày càng được nâng lên và đưa ngành Kiểm sát nhân dân phát triển ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.


Bốn là, không ngừng đổi mới mạnh mẽ phương pháp công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân.


Thực tiễn công tác của ngành Kiểm sát tỉnh trong những năm gần đây cho thấy, nhiều điểm nhấn về đổi mới về phương pháp công tác kiểm sát đã tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, khiêm tốn trong thành tích, công khai trung thực trong khuyết điểm, tồn tại. Hoạt động công tác kiểm sát yếu ở khâu nào thì Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Viện phải sâu sát, nắm bắt kịp thời để làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp đột phá. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao, coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của cơ quan, đơn vị mình; đẩy mạnh công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử các vụ án tồn, các vụ án trong danh mụcthuộc diện quan tâm, theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.


Năm là, tăng cường quan hệ công tác giữa Viện kiểm sát nhân dân với các cơ quan, tổ chức khác.


Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện kiểm sát phải chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định, trước hết là phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật để triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Chính phủ về công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đấu tranh chống các tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Thực tiễn chỉ ra rằng, ở nơi nào có sự phối hợp chặt chẽ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan hữu quan thì ở nơi đó Viện kiểm sát mới có thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.


Trên cơ sở đó, Viện kiểm sát tỉnh thực hiện tốt quan hệ công tác với cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ động nắm, tham mưu, phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc, khiếu kiện phức tạp, bức xúc, dư luận quan tâm, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan hữu quan, bảo đảm điều kiện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.


Sáu là, chú trọng và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân.


Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần đấu tranh phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nâng cao nhận thức của nhân dân về Viện kiểm sát; tạo sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡViện kiểm sát nhân dân trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ; đồng thời giáo dục truyền thống cho cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh cổ vũ phong trào thi đua thực hiện chức năng, nhiệm vụ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.


Thường xuyên đổi mới và nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử; hoạt động của Tổ tuyên truyền VKSND tỉnh; kịp thời đăng tải các tin, bài, ảnh phản ánh hoạt động của các đơn vị, của ngành Kiểm sát; trích dẫn nhiều bài viết từ các nguồn thông tin với nội dung phản ánh nhiều lĩnh vực, khâu công tác kiểm sát.


Kính thưa các đồng chí!


Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân là dịp để cán bộ công chức của ôn lại truyền thống vẻ vang của Ngành, tự hào là một thành viên trong ngôi nhà chung KSND; hơn lúc nào hết, mỗi chúng ta phải tựphấn đấu nâng cao ý thức, trách nhiệm của mình, thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đề cao cảnh giác, tích cực phối hợp cùng với các cấp, các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác đấu tranh phòng,chống tội phạm đáp ứng yêu cầu, mong mỏi của Đảng, Nhà nước, đóng góp có hiệu quả vào việc đảm bảo trật tự pháp luật, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng với lời Bác đã dạy cán bộ ngành kiểm sátphải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn".


Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi còn không ít những khó khăn, thách thức, nhưng tin tưởng rằng với kinh nghiệm và truyền thống vẻ vang của 60 năm xây dựng và trưởng thành của Viện kiểm sát nhân dân, kết quả 31 năm phấn đấu xây dựng và trưởng thành, ngành kiểm sát Phú Yên với niềm tin và sức chiến đấu mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng địa phương; được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của VKSND tối cao, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, VKSND tỉnh Phú Yên nhất định sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của Ngành, nâng cao hơn nữa sức chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó cần coi trọng những ưu tiên phát triển kinh tế của tỉnh, phối hợp với các cơ quan hữu quan, tạo ra một hành lang pháp lý vượt trội để tạo điều kiện cho nền kinh tế của tỉnh nhà có bước bức phá về cơ chế nhằm đạt được những mục tiêu đã được hoạch định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sắp đến.


Thay mặt Ban cán sự Đảng, tập thể lãnh đạo VKSND tỉnh và toàn thể đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, công chức, người lao động Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Phú Yên xin được trân trọng gửi đến những tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc đến quý vị đại biểu, các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động ngành Kiểm sát Phú Yên các thế hệ đã luôn quan tâm theo dõi và đóng góp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cao cả của Ngành.


Kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các đồng chí đại biểu và toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên dồi dào sức khỏe, hạnh phúc!


Trân trọng cảm ơn!

 

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 15/4/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

09h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 16/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án. 

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 4, 17/4/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp HĐND tỉnh (cả ngày). 

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 công bố kết luận trực tiếp kiểm sát tại Trại giam Xuân Phước.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 5, 18/4/2024:  

Nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương

Phân công trực nghiệp vụ, trực cơ quan

 

Thứ 6, 19/4/2024:

08h00:

- Hội nghị tập huấn công tác tổ chức cán bộ (cả ngày). Thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức, người lao động.

 

Thứ 7, 20/4/2024: 

Phân công trực cơ quan  

 

Chủ nhật, 21/4/2024:

 

Phân công trực cơ quan