Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Phú Yên vừa phối hợp với Công ty TNHH Nấm Ta (TP Hồ Chí Minh) tổ chức hội thảo về nấm và kỹ thuật trồng đông trùng hạ thảo, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia cũng như người trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
Kỹ sư Ngô Kim Lai (trái) tại hội thảo khoa học về nấm
NHIỀU LỢI THẾ PHÁT TRIỂN
Thạc sĩ Trần Minh Châu, chuyên viên Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ tỉnh, cho biết: Phú Yên là địa phương có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội thuận lợi cho việc phát triển nghề trồng nấm. Hàng năm, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra 300.000 tấn rơm rạ; hơn một nửa số lượng trên được tiêu thụ bởi đàn gia súc hơn 195.000 con, số còn lại thường được thải ra môi trường. Phú Yên có 2 nhà máy sản xuất mía đường là Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam cũng thải ra một lượng lớn bã mía. Đó là chưa kể tỉnh còn có nhiều diện tích trồng bắp và sắn. Nguồn rơm rạ, bã mía, thân cây bắp, sắn nói trên nếu được tận dụng để trồng nấm sẽ rất phù hợp. Ngoài ra, Phú Yên còn một lợi thế khác là người dân có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng nấm vì nghề này đã có từ khi tái lập tỉnh và vẫn được duy trì đến nay. Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 150 hộ trồng nấm có hiệu quả kinh tế, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) và phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa).
Từ năm 2012, Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ Phú Yên đã triển khai dự án Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hướng công nghiệp. Dự án đã tiếp nhận công nghệ sản xuất các loại giống nấm cấp 1, 2, 3; công nghệ nuôi trồng nấm linh chi, nấm thủ, nấm sò, nấm rơm, nấm mộc nhĩ và nấm chân dài; công nghệ chế biến các loại nấm.
Với những điều kiện thuận lợi như trên, theo thạc sĩ Trần Minh Châu, Phú Yên có thể định hướng phát triển nghề trồng nấm trở thành nghề sản xuất hàng hóa nhằm chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nông thôn theo chương trình nông thôn mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với các hộ trồng nấm đó là do hoạt động nhỏ lẻ, manh mún nên các sản phẩm làm ra chủ yếu được bán tươi ở thị trường trong tỉnh, dẫn đến giá cả bấp bênh.
THU HÚT BỞI ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO
Ngoài tìm hiểu về thực trạng và giải pháp phát triển nghề trồng nấm tại Phú Yên, hội thảo còn cung cấp rất nhiều thông tin về đông trùng hạ thảo do chuyên gia Ngô Kim Thái, kỹ sư Ngô Kim Lai (Công ty TNHH Nấm Ta) trình bày.
Kỹ sư Ngô Kim Lai (SN 1991), Phó giám đốc Công ty TNHH Nấm Ta, quê ở thôn Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa là người đầu tiên đăng ký bản quyền quy trình nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại Việt Nam. Bằng kinh nghiệm thực tế, Ngô Kim Lai mang đến hội thảo nhiều thông tin thú vị, bổ ích khi trình bày quá trình từ khi trồng thử nghiệm đến lúc sản xuất thành công sản phẩm đông trùng hạ thảo. Hiện tại, sản phẩm đông trùng hạ thảo được công ty đưa ra thị trường với giá 100 triệu đồng/kg tươi và 150 triệu đồng/kg khô.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Phú Yên, cho biết: Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Phú Yên được Công ty TNHH Nấm Ta chọn làm đại lý cấp một để phân phối đông trùng hạ thảo trên toàn tỉnh.
Chia sẻ trong hội thảo lần này, bác sĩ Lê Bá Thính, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, nói: “Trước đây, nghe về đông trùng hạ thảo tôi có suy nghĩ rất mơ hồ. Nhưng tại đây, với người thật, việc thật, kinh nghiệm thật, mà nhất là được nghe chính người trồng thành công đông trùng hạ thảo đưa ra những thông tin mới, tôi rất phấn khởi. Đông trùng hạ thảo là loại thuốc rất quý, nếu nuôi được sẽmang lại giá trị cao”. Còn kỹ sư Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin rất hay về đông trùng hạ thảo. Nếu được chuyển giao công nghệ trồng loại dược liệu này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Tuy nhiên, trước mắt, cơ quan chức năng cần đưa các diện tích trồng nấm vào quy hoạch nông nghiệp tổng thể để có định hướng phát triển trong thời gian tới.
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm, có khả năng chữa được nhiều bệnh và giúp phục hồi sinh lực. Trong tự nhiên, loại đông trùng hạ thảo được biết đến nhiều nhất có xuất xứ từ Tây Tạng (Trung Quốc). Tại Việt Nam, đông trùng hạ thảo được khá nhiều người biết đến nhưng hiếm có nơi nào trồng thành công.
Nguồn: Báo Phú Yên Online