Ngày 29/4/2020, Viện trưởng VKSND tối cao ký quyết định số 139/QĐ-VKSTC về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân và Hướng dẫn thực hiện. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định 379/QĐ-VKSTC ngày 10/10/2017 về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân.
Căn cứ quyết định số 139/QĐ-VKSTC và tình hình thực tế thực hiện các chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong trong những năm qua của VKSND hai cấp tỉnh và huyện, Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên dã ban hành Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ năm 2020.
So với Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ trong năm 2019, Hệ thống chỉ tiêu năm 2020 có rất nhiều nội dung mới, đặc biệt là trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, xét xử án hình sự…
Đáng chú ý, từ năm 2020, Hệ thống chỉ tiêu cơ bản đánh giá kết quả công tác nghiệp vụ đã không còn chỉ tiêu “Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” và “Tỷ lệ giải quyết án của Cơ quan điều tra”. Việc bỏ hai chỉ tiêu này là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc Hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của VKSND, của TAND và công tác thi hành án; phù hợp với thực tiễn, bởi việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và giải quyết án của Cơ quan điều tra là thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan điều tra…
Bên cạnh đó, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố có một số chỉ tiêu mới như: Tỷ lệ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giải quyết đúng hạn; ban hành yêu cầu kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản khi có căn cứ đối với những vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế làm thất thoát, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước; ban hành yêu cầu hoặc tự ra quyết định xử lý, giải quyết khi có đủ căn cứ theo quy định pháp luật; tham gia hoặc trực tiếp lấy lời khai, gặp hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp trước khi xem xét phê chuẩn; yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát được Cơ quan điều tra chấp nhận, thực hiện …
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự vẫn giữ nguyên hai chỉ tiêu phấn đấu phải đạt 0% là: Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm xét xử tuyên hủy để bản án, quyết định điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát và Hội đồng xét xử tuyên bị cáo không phạm tội.
Tuy nhiên, cũng có một số chỉ tiêu mới hoặc được sửa đổi, bổ sung cần chú ý thực hiện đúng, cụ thể như:
- Ban hành yêu cầu áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa khi có căn cứ trong quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, để bảo đảm việc bồi thường thiệt hại, thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Mức chỉ tiêu này là 100%; áp dụng đối với VKSND cấp huyện, cấp tỉnh, VKSND cấp cao và VKSND tối cao.
Việc quy định chi tiêu này nhằm tăng cường trách nhiệm công tố, kiểm sát quá trình xét xử vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ để kịp thời yêu cầu áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhằm nâng tỷ lệ thu hồi tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt.
Phương pháp tính: Tỷ lệ số vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ mà Viện kiểm sát đã ban hành văn bản yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trên tổng số vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ có đủ căn cứ để áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản nhưng Tòa án không ra lệnh áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản hoặc phong tỏa tài khoản, đạt 100%.
- Kiểm sát biên bản phiên tòa (Kiểm sát viên tham gia phiên tòa phải lập biên bản kiểm tra biên bản phiên tòa ngay sau khi phiên tòa kết thúc).
Mức chỉ tiêu là 100%; áp dụng đối với VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh và VKSND cấp cao.
Yêu cầu của chỉ tiêu là: Thực hiện nghiêm quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về kiểm sát xét xử tại phiên tòa; tất cả các biên bản phiên tòa phải được Kiểm sát viên kiểm tra (lập biên bản kiểm tra) ngay sau khi kết thúc nhằm bảo đảm hoạt động tại phiên tòa được phản ánh trung thực vào biên bản, hồ sơ vụ án; thống nhất giữa nội dung khi tuyên án tại phiên tòa với nội dung trong bản án, quyết định ban hành sau khi xét xử.
Phương pháp tính: Tỷ lệ giữa số biên bản phiên tòa hình sự được Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tiến hành kiểm tra và lập biên bản kiểm tra ngay sau khi kết thúc phiên tòa trên tổng số phiên tòa hình sự Kiểm sát viên đã thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, đạt 100%.
- Lãnh đạo Viện kiểm sát trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử án hình sự.
Mức chỉ tiêu này là: (1) ≥ 01 phiên tòa/ 01 năm đối với 01 lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh (phụ trách công tác thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự); ≥ 02 phiên tòa/ 01 năm; đối với 01 lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện.
Yêu cầu của chỉ tiêu: Lãnh đạo trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các phiên tòa rút kinh nghiệm để công chức học tập.
Phương pháp tính: Trong 01 năm công tác, 01 lãnh đạo Viện kiểm sát cấp tỉnh (Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng phụ trách công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử giải quyết án hình sự) tham gia thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 01 vụ án hình sự (sơ thẩm hoặc phúc thẩm); đối với 01 lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện (Viện trưởng, Phó Viện trưởng) tham gia xét xử ít nhất từ 02 phiên tòa.
- Phối hợp với Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm: 01 Kiểm sát viên > 02 phiên toà rút kinh nghiệm/01 năm; áp dụng đối với Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát cấp huyện, Viện kiểm sát cấp tỉnh và VKSND cấp cao.
Yêu cầu của chỉ tiêu: Nâng cao chất lượng xét hỏi, tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa hình sự; Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử phải chú trọng lựa chọn, phối hợp tổ chức nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm.
Phương pháp tính: Trong 01 năm, 01 Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, xét xử phải tham mưu phối hợp với Tòa án để thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử > 02 phiên tòa rút kinh nghiệm; phiên tòa rút kinh nghiệm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của VKSND tối cao...
GIANG HÀ