Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) hai cấp ở Phú Yên đã có nhiều cố gắng, luôn đổi mới, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu theo nghị quyết của Quốc hội và hệ thống chỉ tiêu của ngành KSND…
Ông Lê Trung Hưng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức cán bộ
Nhân kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập ngành KSND (26/7/1960-26/7/2021), Báo Phú Yên phỏng vấn ông Lê Trung Hưng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng Viện KSND tỉnh về chặng đường phát triển của ngành và những nội dung trọng tâm Viện KSND hai cấp cần thực hiện trong thời gian đến…
* Ông có thể cho biết đôi nét về ngày truyền thống của ngành và chặng đường phát triển trong 32 năm qua của Viện KSND tỉnh?
- Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của hệ thống Viện KSND trong bộ máy nhà nước XHCN. Trải qua 61 năm tổ chức và thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Nhà nước và nhân dân giao, Viện KSND đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong các giai đoạn lịch sử phát triển đất nước, đáp ứng sự nghiệp đổi mới và yêu cầu cải cách tư pháp; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chế độ, bảo vệ pháp luật, pháp chế XHCN, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân..., góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Phú Yên, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, ngày 1/7/1989, Viện KSND tỉnh được thành lập theo Quyết định 81 ngày 4/7/1989 của Viện trưởng Viện KSND tối cao. Những ngày đầu thành lập, Viện KSND Phú Yên chỉ có 14 người được phân công điều động từ Viện KSND tỉnh Phú Khánh và 7 viện KSND cấp huyện với 32 cán bộ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và nhân lực, nhưng với sự quan tâm lãnh đạo của Viện KSND tối cao, các cấp ủy đảng và chính quyền, cùng với ý chí quyết tâm nỗ lực của lãnh đạo, đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên, đến nay, Viện KSND tỉnh có 7 phòng và 9 viện KSND các huyện, thị xã, thành phố với tổng số 164 cán bộ, kiểm sát viên… Các cán bộ làm công tác chuyên môn đều tốt nghiệp đại học, trên đại học và được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ kiểm sát. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức đoàn thể được quan tâm, chú trọng. Viện KSND hai cấp tỉnh đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ tốt quyền con người, hạn chế đến mức thấp nhất sai sót, bỏ lọt tội phạm.
Hiện nay, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, Viện trưởng VKSND tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và viện KSND cấp huyện tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm những ý kiến chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của ngành về thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch trong tình hình mới. Ngoài ra, viện KSND hai cấp còn kịp thời vận động công chức, người lao động ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch COVID-19, nhắn tin ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19, ủng hộ vật chất cho lực lượng tuyến đầu chống dịch tổng trị giá hơn 60 triệu đồng.
* Năm 2021 với phương châm “Đoàn kết - đổi mới, trách nhiệm - kỷ cương, thực chất - hiệu quả”, viện KSND hai cấp ở Phú Yên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Vậy kết quả đạt được như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, lãnh đạo Viện KSND tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo. Cụ thể, hàng tháng, tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến viện KSND hai cấp, hay đổi mới trong giao ban hàng tuần… Thông qua những cuộc giao ban này, lãnh đạo Viện KSND tỉnh tập trung đánh giá toàn diện, sâu sắc kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ những tin báo, tố giác về tội phạm đến những vụ việc, vụ án nổi cộm, những công việc trọng tâm cần quan tâm thực hiện… Viện trưởng sẽ có ý kiến chỉ đạo cụ thể đối với từng phó viện trưởng để thực hiện tốt việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với khối, địa bàn được phân công phụ trách.
Tiếp tục đổi mới việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp để hạn chế, khắc phục tồn tại, thiếu sót của năm trước; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả các mặt công tác được giao phụ trách, đề cao tính chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao…
Từ những đổi mới, sáng tạo trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, hiệu quả công tác kiểm sát đã có chuyển biến rõ rệt, thể hiện các lĩnh vực công tác cụ thể như: Việc kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đều đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; không để xảy ra đình chỉ điều tra vì hành vi không cấu thành tội phạm hoặc viện KSND truy tố, tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Công tác kiểm sát giam giữ, thi hành án hình sự bảo đảm hoạt động giữ, giam, bắt buộc chữa bệnh và thi hành án hình sự thực hiện đúng quy định của pháp luật, không để xảy ra việc giam giữ không có căn cứ, quá hạn; công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính có nhiều nội dung đột phá, đem lại hiệu quả cao... Thông qua hoạt động kiểm sát, Viện KSND tỉnh đã ban hành nhiều kiến nghị với UBND tỉnh và các cơ quan hữu quan để tăng cường công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm, góp phần tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp và bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
* Phú Yên có địa bàn rộng, phức tạp, sự phân bố dân cư và trình độ dân trí không đồng đều dễ phát sinh các hành vi phạm tội. Với cương vị của mình, ông tham mưu như thế nào cho cấp ủy địa phương trong công tác đấu tranh, phòng ngừa và ngăn chặn các loại tội phạm?
- Với tư cách là Viện trưởng Viện KSND tỉnh, tôi sẽ cố gắng lãnh đạo, chỉ đạo viện KSND hai cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành; đồng thời chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cần xác định công tác kiểm sát thực chất là việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Qua đó định hướng các nhiệm vụ, hoạt động kiểm sát của ngành phải đạt mục đích phục vụ các nhiệm vụ, yêu cầu chính trị của cấp ủy địa phương.
Viện KSND tỉnh phải cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách, chỉ thị của Đảng, của Tỉnh ủy về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của viện KSND vào kế hoạch công tác kiểm sát hàng năm với các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể để thực hiện một cách có hiệu quả trên thực tế.
Thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, kinh doanh thương mại, ngành Kiểm sát phải phân tích tìm ra những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến vi phạm, tội phạm để tham mưu, đề xuất với cấp ủy cùng cấp các giải pháp khắc phục. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phương châm “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng chọn án trọng điểm theo từng thời điểm, từng chủ đề cụ thể để phối hợp nhanh chóng điều tra, truy tố, xét xử nhằm răn đe, phòng ngừa, giáo dục chung.
Đồng thời tham mưu cho cấp ủy trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục mọi người tôn trọng lẽ phải, hướng thiện, lên án tội ác, những hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Phú Yên Online