Thứ Tư, 15/01/2025 16:45 CH

Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử

Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên đã đăng bài viết “Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử”, trong đó nêu rõ về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc thực hiện và kể tên 8 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; hiệu lực thi hành Nghị quyết…Bài viết này trân trọng giới thiệu cụ thể về các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản theo Nghị quyết của Quốc hội.

1. Biện pháp trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa mà cơ quan tiến hành tố tụng xác định rõ chủ sở hữu, bị hại, số tiền bị thiệt hại, đồng thời có văn bản đề nghị của bị hại hoặc người đại diện của họ và văn bản đề nghị của bị can, bị cáo hoặc người khác là chủ sở hữu của vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định trả lại tiền cho bị hại theo thứ tự, tỷ lệ được pháp luật thi hành án dân sự quy định.

Quyết định trả lại tiền cho bị hại được gửi đến tổ chức tín dụng hoặc Kho bạc nhà nước đang quản lý tài khoản tạm giữ hoặc đang thi hành lệnh phong tỏa tài khoản để thực hiện;

b) Đối với số tiền đã thu giữ, tạm giữ không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại điểm a khoản này, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định gửi tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để chờ xử lý.

Đối với tiền trong tài khoản bị phong tỏa không thuộc trường hợp xử lý theo quy định tại điểm a khoản này, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành tài khoản tiền gửi có kỳ hạn và quyết định phong tỏa tài khoản tiền gửi để chờ xử lý.

2. Biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa vật chứng, tài sản được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan, nếu họ có nhu cầu khai thác, sử dụng và có văn bản đề nghị nộp tiền bảo đảm để nhận lại tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật và xem xét, ra quyết định cho người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân được nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với vật chứng, tài sản đó. Số tiền nộp bảo đảm không được thấp hơn giá của vật chứng, tài sản theo kết luận định giá tài sản;

b) Tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Sau khi tiền bảo đảm được nộp vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng. Người được giao lại tài sản có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản trong quá trình quản lý, khai thác, sử dụng.

3. Biện pháp mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất, giấy tờ có giá, chứng khoán hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa mà thuộc quyền sở hữu, quản lý hợp pháp của người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và không có tranh chấp, được mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật, nếu họ có văn bản đề nghị cho bán, chuyển nhượng thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản và xem xét, quyết định cho bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản đó thông qua hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật. Trường hợp chủ sở hữu chung mua lại vật chứng, tài sản thì không phải đấu giá;

b) Tổ chức, cá nhân mua, nhận chuyển nhượng vật chứng, tài sản phải chuyển toàn bộ số tiền từ việc mua bán, chuyển nhượng vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này. Sau khi tiền được chuyển vào tài khoản thì cơ quan tiến hành tố tụng quyết định hủy bỏ biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đã áp dụng.

4. Biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng được thực hiện như sau:

a) Trường hợp vật chứng, tài sản là bất động sản, tài sản gắn liền với đất hoặc trang thiết bị, phương tiện, vật tư trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, nếu có văn bản đề nghị của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp vật chứng, tài sản thì cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định, yêu cầu định giá đối với vật chứng, tài sản theo quy định của pháp luật và xem xét, quyết định giao vật chứng, tài sản đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc người khác quản lý, khai thác, sử dụng theo đề nghị của chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc theo chỉ định của cơ quan tiến hành tố tụng khi có sự đồng ý của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp;

b) Tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác, sử dụng có trách nhiệm bảo quản vật chứng, tài sản, không được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp, đánh tráo, hủy hoại, cố ý gây thiệt hại vật chứng, tài sản đó.

5. Biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được thực hiện như sau:

a) Khi có căn cứ cho rằng cần phải ngăn chặn việc người bị buộc tội hoặc tổ chức, cá nhân khác có hành vi chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng, tẩu tán, hủy hoại tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản đó.

Trường hợp tài sản có thể chia tách được thì chỉ tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với phần tài sản có giá trị tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc bồi thường thiệt hại;

b) Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm kiểm tra, xác minh.

Trường hợp có đủ căn cứ, điều kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định áp dụng biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa đối với tài sản. Tài sản thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa được xem xét, xử lý theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.

Trường hợp không đủ căn cứ, điều kiện thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã áp dụng;

c) Trường hợp phức tạp mà chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để xử lý trong thời hạn quy định tại điểm b khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần thời hạn áp dụng biện pháp tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản nhưng không quá 02 tháng.

6. Lợi tức phát sinh trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản theo quy định của Nghị quyết này được xử lý theo bản án, quyết định của Tòa án.

7. Thẩm quyền và trình tự, thủ tục quyết định việc áp dụng, hủy bỏ các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được quy định như sau:

a) Việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra quyết định trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra; do Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quyết định trong quá trình truy tố; do Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quyết định trong quá trình chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử;

b) Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Việc áp dụng phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định.

Việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, quyết định của Tòa án;

c) Trường hợp xét thấy không đủ căn cứ, điều kiện áp dụng, không còn cần thiết hoặc có thể thay bằng biện pháp xử lý khác quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền đã ra quyết định áp dụng quy định tại điểm a khoản này phải ra ngay quyết định hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, trừ biện pháp quy định tại điểm a khoản 1 và khoản 3 Điều này đã thực hiện xong;

d) Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được đưa vào hồ sơ vụ việc, vụ án; giao cho người bị buộc tội; gửi cho ngân hàng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Quyết định áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra, Tòa án được gửi cho Viện kiểm sát;

đ) Khi cần thiết, trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, Viện kiểm sát đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra đối với Cơ quan điều tra hoặc trực tiếp tiến hành một số hoạt động kiểm tra, xác minh, điều tra trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.

Trường hợp thấy việc áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra, Tòa án có căn cứ hủy bỏ theo quy định tại điểm c khoản này mà Cơ quan điều tra, Tòa án không hủy bỏ thì Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Cơ quan điều tra; kiến nghị, kháng nghị quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự;

e) Hội đồng xét xử có quyền xem xét lại quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan tiến hành tố tụng.

8. Tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng, tài sản đã áp dụng biện pháp xử lý được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Việc khiếu nại, giải quyết khiếu nại về hành vi, quyết định tố tụng, việc tố cáo, giải quyết tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xử lý vật chứng, tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Trường hợp gây thiệt hại do áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho tổ chức, cá nhân có tài sản bị thiệt hại. Cơ quan ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản chịu trách nhiệm giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

GIANG HÀ

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 13/01/2025:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

- Đ/c Viện trưởng đi công tác ngoài tỉnh (07 ngày).

08h00:

- Toàn thể đảng viên CQ: dự Hội nghị toàn quốc trực tuyến về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

14h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 3, 14/01/2025: 

08h00:

- Hội nghị tổng kết công tác Đảng năm 2024 (tại hội trường, thành phần: toàn thể đảng viên Đảng bộ).

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT và lãnh đạo các Phòng 15, Văn phòng, Phòng 8, Phòng 9 dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2025 tại VKSND huyện Sông Hinh.

- Đ/c Liên - PVT; các đ/c Trưởng phòng 9, Chánh Văn phòng và đ/c Ẩn - KSV Phòng 1 dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2025 tại VKSND huyện Đồng Xuân.

 

Thứ 4, 15/01/2025: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án. 

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT và Phòng 1 họp liên ngành chọn án điểm (tại phòng họp).

15h00:

- Đ/c Thảo - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cải cách tư pháp tại Tỉnh ủy.

 

Thứ 5, 16/01/2025:  

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 8 báo cáo công tác.

 

Thứ 6, 17/01/2025:

08h00:

- Họp Đảng ủy nghe các chi bộ báo cáo kết quả chuẩn bị và xét duyệt nội dung, đề án nhân sự Đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2025-2027.

15h00: 

- Hội nghị tổng kết Khối các cơ quan ngành dọc Trung ương 1 (tại phòng họp). 

 

Thứ 7, 18/01/2025:

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 19/01/2025:

Phân công trực cơ quan