Thứ Tư, 05/02/2025 03:51 SA

Ngày Xuân nói chuyện pháp luật về người đi bộ trên đường bộ

Một mùa Xuân mới đã đến-Xuân Ất Tỵ 2025. Xuân năm nay, nắng vàng như rót mật, trải khắp muôn nơi, thêm vào đó tiết trời se se lạnh càng làm cho mùa Xuân thêm đẹp đẽ. Xuân mới, lộc nở bừng trên phố phường, làng quê, lòng người vui phơi phới. Cả đất nước chuyển mình…

Thông thường, vào mùa Xuân người ta thường hay nói về quê hương, đất nước, về du xuân, lễ hội, về ẩm thực, thơ ca nhạc họa hoặc về hoa thơm, trái ngọt…chứ ít ai nói về pháp luật, nghe khô khan, cứng nhắc. Đã thế, lại nói chuyện pháp luật về người đi bộ trên đường bộ thì lại hơi lạ lùng…

Trước hết, xin được phép nói đôi chút về Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Đây là Luật vừa được Quốc Hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2025; thay thế Luật giao thông đường bộ năm 2008. Theo đó, trật tự, an toàn giao thông đường bộ được hiểu là trạng thái giao thông trên đường bộ có trật tự, bảo đảm an toàn, thông suốt; được hình thành và điều chỉnh bởi các quy tắc, nguyên tắc, quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Từ trước đến nay, nói về vấn đề này, người ta chỉ thường nhắc đến việc tham gia giao thông đường bộ là việc tham gia của ô tô, xe máy…Thế nhưng, theo quy định tại khoản 8 Điều 2 và khoản 4, khoản 5 Điều 3 của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 thì “Người tham gia giao thông đường bộ bao gồm: Người điều khiển, người được chở trên phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt vật nuôi trên đường bộ; người đi bộ trên đường bộ.”. Cũng phải nói thêm rằng, khái niệm người đi bộ trên đường bộ không phải là mới, mà nó đã được quy định tại các Luật giao thông đường bộ năm 2001 và 2008.

Như vậy, người đi bộ trên đường bộ là người tham gia giao thông đường bộ. Và khi đó thì theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 3 của Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 “Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan, có trách nhiệm giữ an toàn cho mình và cho người khác. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.”.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, nhất là mỗi dịp Tết đến Xuân về người đi bộ trên đường bộ về cơ bản đã chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và quy định khác của pháp luật có liên quan…Tuy nhiên, đây đó, có lúc, có nơi người đi bộ trên đường bộ còn đi lộn xộn, không theo đúng quy định, có người còn trèo qua dải phân cách, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo... Thậm trí, có người còn có suy nghĩ đi bộ thì đi thế nào thì đi, luật là để dành cho ô tô, xe máy…Thế nên, nhiều người không khỏi bất ngờ khi biết một Tòa án huyện ở tỉnh Đắk Lắk vào cuối năm 2024 đã mở phiên tòa xét xử một bị cáo về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ vì người này đi bộ sang đường thiếu quan sát gây tai nạn. Hồ sơ vụ án cho thấy, tối ngày 4/3/2024, khi qua đường, D thiếu quan sát nên không phát hiện xe mô tô do ông C điều khiển đang đi đến. Khi D vừa đi đến gần vạch kẻ giữa đường thì va chạm với xe mô tô gây ra tai nạn làm ông C bị thương tích 90%. HĐXX cho rằng bị cáo D đi bộ sang đường thì phải chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường. Tuy nhiên, bị cáo đã không tuân thủ đúng quy định về tham gia giao thông đường bộ, thiếu chú ý quan sát các xe đang đi tới, không đảm bảo quy định về an toàn giao thông đường bộ nên đã xảy ra va chạm với mô tô biển do ông C điều khiển. Hành vi của bị cáo D đã vi phạm vào khoản 3 Điều 32 Luật Giao thông đường bộ. Việc truy tố và đưa bị cáo ra xét xử về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điểm b khoản 1 Điều 260 BLHS là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Xét thấy bị cáo D có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, là người cao tuổi; sự việc xảy ra cũng có lỗi của bị hại khi điều khiển phương tiện thiếu quan sát nên không thấy người đi bộ qua đường và không nhường đường cho người đi bộ, dẫn đến va chạm giao thông. Từ đó, HĐXX đã tuyên phạt D 01 năm 06 tháng cải tạo không giam giữ về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Vụ án nói trên là hy hữu nhưng qua đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người, nhất là đối với những ai còn có tư tưởng đi bộ trên đường bộ thì đi thế nào thì đi, không theo quy tắc nào cả. Và xin thưa rằng, người đi bộ trên đường bộ như thế nào đã được Luật quy định rất rõ ràng, cụ thể. Theo Điều 30, Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024, người đi bộ phải tuân thủ các quy định sau đây:

1. Phải đi trên vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ; trường hợp đường không có vỉa hè, lề đường, đường dành riêng cho người đi bộ thì người đi bộ phải đi sát mép đường bên phải theo chiều đi của mình.

2. Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn, báo hiệu đường bộ. Trường hợp không có đèn tín hiệu, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn, khi qua đường phải có tín hiệu bằng tay.

3. Không được vượt qua dải phân cách, đu, bám vào phương tiện giao thông đường bộ đang di chuyển; khi mang, vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Đối với trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự tham gia giao thông đường bộ được quy định như sau:

1. Trẻ em dưới 07 tuổi khi đi qua đường phải có người lớn dẫn dắt.

2. Người khuyết tật sử dụng xe lăn có động cơ hoặc không có động cơ phải đi trên vỉa hè, lề đường và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ.

3. Người khiếm thị khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt hoặc có công cụ để báo hiệu cho người khác nhận biết là người khiếm thị.

4. Người mất năng lực hành vi dân sự khi đi trên đường bộ phải có người dẫn dắt.

5. Mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 07 tuổi, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật, người mất năng lực hành vi dân sự khi đi qua đường.

Như vậy, một trong những quy định mới mà mọi người cần biết là khi người đi bộ qua đường thì phải “có tín hiệu bằng tay”.

Có người hỏi nếu vi phạm các quy định nói trên thì sao? Câu trả lời là: Tất nhiên là bị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự như trường hợp của bị cáo D nói trên. Còn vi phạm chưa đến mức phải xử lý hình sự thì theo Điều 10 Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26/12/2024 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe; các mức phạt vi phạm giao thông đối với người đi bộ được quy định như sau:

1. Phạt tiền từ 150.000 đồng đến 250.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định; đi qua đường không có tín hiệu bằng tay theo quy định.

- Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

- Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

2. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

- Đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

- Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông.

- Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

Mùa Xuân Ất Tỵ đã mang đến cho mỗi chúng ta vô vàn những ước muốn, hy vọng rằng việc giới thiệu một số quy định của pháp luật về người đi bộ trên đường bộ sẽ góp phần nhỏ bé để mùa Xuân mãi mãi vui tươi, bình an, hạnh phúc.

NGỌC THẢO

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 03/02/2025:

07h30:

- Chào cờ và gặp mặt đầu Xuân Ất Tỵ (toàn thể cơ quan).

09h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị giao ban Tỉnh ủy.

 

Thứ 3, 04/02/2025: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

 

Thứ 4, 05/02/2025: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 5, 06/02/2025:  

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 8 báo cáo công tác.

 

Thứ 6, 07/02/2025:

08h00:

- Họp Đảng ủy.

 

Thứ 7, 08/02/2025:

Phân công trực trực cơ quan

 

Chủ nhật, 09/02/2025:

Phân công trực trực cơ quan