Thứ Tư, 16/10/2024 07:21 SA

TAND tối cao giải đáp một số vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự (tiếp theo)

Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, TAND tối cao có ý kiến giải đáp một số vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự...Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên trân trọng giới thiệu nội dung giải đáp để cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp tỉnh và huyện nghiên cứu, áp dụng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

VỀ THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

1. Việc cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án thuộc thẩm quyền của Tòa án nào. Tòa án ra bản án hay Tòa án nơi người bị kết án đang chấp hành án?

Trường hợp trên, Tòa án đã ra bản án có thẩm quyền thông báo cho người bị kết án hưởng thời hiệu thi hành bản án[1].

2. Tòa án có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo không?

Khi thi hành án treo, Tòa án căn cứ Điều 84 của Luật Thi hành án hình sự năm 2019 ra quyết định thi hành án treo. Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào quyết định này để tổ chức thi hành. Để thi hành quyết định buộc phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với quyết định này để cơ quan thi hành án hình sự tổ chức thi hành theo quy định.

3. Tòa án có phải ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 364 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021) thì Tòa án có thẩm quyền đã ra quyết định thi hành án đối với mỗi bản án có hiệu lực pháp luật. Do đó, Tòa án không ra quyết định thi hành án đối với quyết định tổng hợp hình phạt của nhiều bản án.

4. Trường hợp bị cáo chấp hành xong hình phạt tù của bản án đã tuyên trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm hoặc bị cáo đang tại ngoại nhưng trước đó đã bị tạm giữ, tạm giam mà thời hạn tạm giữ, tạm giam bằng thời hạn phạt tù của bản án đã tuyên thì Tòa án có ra quyết định thi hành án phạt tù không?

Trường hợp trên, Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi bản án cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.

VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Trường hợp người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đang bị đưa vào cơ sở cai nghiện để cắt cơn, giải độc chờ lập hồ sơ. Khi Tòa án mở phiên họp thì cơ quan nào có thẩm quyền dẫn giải đối tượng này đến phiên họp và thủ tục thực hiện như thế nào?

Hiện nay, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) không quy định biện pháp dẫn giải. Đây là biện pháp hạn chế quyền con người, không được quy định bởi luật thì không được áp dụng. Do đó, trường hợp này không được áp dụng biện pháp dẫn giải.

VỀ DÂN SỰ, TỐ TỤNG DÂN SỰ

1. Đương sự ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng. Trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì có thể tống đạt cho người ủy quyền và người ủy quyền có nghĩa vụ thông báo lại cho người được ủy quyền hay không?

Trường hợp đương sự đã ủy quyền cho người khác đại diện cho mình tham gia tố tụng thì Tòa án chỉ tống đạt cho người đại diện của đương sự mà không phải tống đạt cho đương sự. Tuy nhiên, trường hợp Tòa án không thể tống đạt trực tiếp cho người đại diện theo ủy quyền thì Tòa án thực hiện thủ tục niêm yết công khai quy định tại Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự và tống đạt trực tiếp cho đương sự ủy quyền.

2. Hiện nay, việc tống đạt cho đương sự cư trú tại các chung cư thường gặp khó khăn do bị cản trở hoặc không hợp tác của bảo vệ, Ban quản lý chung cư. Vậy, Tòa án có thể niêm yết tại khu vực bản tin chung, sảnh chung cư hay không?

Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.

Khoản 2 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết”.

Như vậy, trong trường hợp này thì Tòa án phải thực hiện niêm yết tại địa chỉ căn hộ của chung cư nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của đương sự đó.

3. Biên bản hòa giải của Tòa án ghi nhận nội dung nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Sau đó, Tòa án hướng dẫn nhưng nguyên đơn không làm đơn rút yêu cầu khởi kiện. Tòa án có căn cứ vào biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự được không?

Trường hợp nêu trên thì Tòa án căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự và biên bản hòa giải thể hiện nguyên đơn đã rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu trong vụ án đó có bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì Tòa án căn cứ khoản 2 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết như sau:

(1) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

(2) Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn; bị đơn trở thành nguyên đơn, nguyên đơn trở thành bị đơn;

(3) Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị khởi kiện theo yêu cầu độc lập trở thành bị đơn.

Đối với vụ án được xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm sau khi có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm thì căn cứ khoản 4 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi có sự đồng ý của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và phải giải quyết hậu quả của việc thi hành án, các vấn đề khác liên quan (nếu có).

4. Trong việc dân sự tuyên bố một người là đã chết hoặc mất tích, Tòa án có đưa người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết hoặc mất tích vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?

Trường hợp này, Tòa án xác định tư cách tham gia tố tụng của người bị tuyên bố mất tích hoặc tuyên bố là đã chết là người bị yêu cầu theo quy định tại Chương XXVI về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích và Chương XXVII về thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố một người đã chết của Bộ luật Tố tụng dân sự.

5. Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết, Tòa án xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết trong trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự năm 2015 như thế nào?

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Ngày chết là ngày quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật

Quan điểm thứ hai cho rằng: Ngày chết là ngày đầu tiên kế tiếp của ngày kết thúc thời hạn biệt tích 5 năm liền.

Quan điểm thứ ba cho rằng: Ngày chết là ngày có tin tức cuối cùng của người đó.

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự thì: “Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

... d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”.

Khoản 2 Điều 71 của Bộ luật Dân sự quy định: “Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết”.

Khi giải quyết yêu cầu tuyên bố một người là đã chết quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 của Bộ luật Dân sự thì Tòa án xác định ngày chết theo quan điểm thứ hai. Theo đó, ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp của ngày kết thúc thời hạn 05 năm liền kể từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng. Việc xác định thời điểm kết thúc thời hạn được thực hiện theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Dân sự.

6. Khoản 4 Điều 388 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích như sau: “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu”. Vậy, quyết định mở phiên họp và các văn bản tố tụng khác có cần tiến hành niêm yết tại địa phương đối với người bị yêu cầu hay không? Nếu có thì thời hạn niêm yết là bao nhiêu ngày?

Khoản 1 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này”.

Như vậy, trong trường hợp này người bị yêu cầu không thể nhận văn bản tố tụng thông qua việc tống đạt trực tiếp nên Tòa án phải tiến hành niêm yết quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và các văn bản tố tụng khác đối với người bị yêu cầu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

7. Trong giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, người khởi kiện cung cấp thông tin người bị kiện đã chết trước khi người khởi kiện làm đơn khởi kiện nhưng không cung cấp được giấy chứng tử và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện theo yêu cầu của Tòa án thì có thuộc trường hợp chưa đủ điều kiện khởi kiện không?

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, sau đó xác minh là bị đơn chết trước thời điểm khởi kiện và nguyên đơn không cung cấp được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì giải quyết như thế nào?

Trong giai đoạn nhận và xử lý đơn khởi kiện, người khởi kiện cung cấp thông tin người bị kiện đã chết trước khi người khởi kiện làm đơn khởi kiện nhưng không cung cấp được giấy chứng tử và người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của người bị kiện theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện của Tòa án thì Tòa án căn cứ điểm e khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự để trả lại đơn khởi kiện.

Trường hợp Tòa án đã thụ lý vụ án, sau đó xác minh là bị đơn chết trước thời điểm khởi kiện và nguyên đơn không cung cấp được người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng thì Tòa án hướng dẫn nguyên đơn làm đơn rút yêu cầu khởi kiện. Trường hợp Tòa án đã hướng dẫn nhưng nguyên đơn không làm đơn rút yêu cầu khởi kiện thì Tòa án căn cứ điểm a khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án…(còn nữa).

GIANG HÀ

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 14/10/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h30:

- Đ/c Viện trưởng, đ/c Liên - PVT làm việc với Lãnh đạo Phòng 9 (cán bộ làm công tác tổng hợp Phòng 9 dự).

14h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

15h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị tại Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh.


Thứ 3, 15/10/2024: 

08h00:

- Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt Luật đất đai trong ngành KSND (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức).

- Đ/c Thảo và Phòng 8 họp xét giảm án tại Trại giam Xuân Phước.

14h00:

- Hội nghị trực tuyến phổ biến, quán triệt nội dung của một số Luật được thông qua tại kỳ họp thứ 6, kỳ họp bất thường lần thứ 5 và kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV trong ngành KSND (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức).


Thứ 4, 16/10/2024: 

07h45: 

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan THAHS Công an tỉnh.

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.


Thứ 5, 17/10/2024:  

08h00:

- Hội nghị sơ kết 06 năm thực hiện Quy chế số 749/QC-LN ngày 06/7/2018 của Liên ngành Công an - Viện kiểm sát - Chi cục Hải quan - Chi cục Kiểm lâm tỉnh và ký kết Quy chế sửa đổi, bổ sung (tại phòng họp, thành phần: Đ/c Thanh - PVT; lãnh đạo và cán bộ tổng hợp Phòng 1, Phó CVP phụ trách).

14h00:

- Họp Ban cán sự đảng quý III/2024.


Thứ 6, 18/10/2024:

07h30:

- Lãnh đạo Viện gặp mặt nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 (tại phòng đọc báo; mời toàn thể công chức, người lao động dự).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.


Thứ 7, 19/10/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 20/10/2024:

Phân công trực cơ quan