Ngày 24/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024),thay thế cho Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014.
Theo đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 gồm có 9 chương, 152 điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân; về Thẩm phán, Hội thẩm và các chức danh khác trong Tòa án nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Tòa án nhân dân, có một số điểm mới cơ bản sau:
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Theo đó, tại Điều 2quy định: Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp để thực thi nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bằng hoạt động của mình, góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, ý thức đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định: Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Khi thực hiện quyền tư pháp, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Xét xử, giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự (gồm vụ án dân sự và việc dân sự), vụ việc phá sản và vụ án, vụ việc khác theo quy định của pháp luật;
- Giải quyết, xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật;
- Quyết định những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật;
- Phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của luật;
- Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc;
- Tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về thi hành án theo quy định của luật;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so vớiLuật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án như sau:
a) Bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với Tòa án là:
- Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật, bao gồm: Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật. Áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật. Xét xử vi phạm hành chính theo quy định của luật.
- Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc, bao gồm: Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc là việc Tòa án làm rõ trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc và trong bản án, quyết định việc áp dụng quy định của pháp luật trong hoàn cảnh, tình huống cụ thể để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc theo thẩm quyền.
b) Không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.Tại Điều 150Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024đã sửa đổi, bổ sung, một số điều của, cụ thể:
- Sửa đổi khoản 4 Điều 153 như sau:
“4. Hội đồng xét xử yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.”.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 154 như sau:
“2. Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Viện kiểm sát phải gửi quyết định đó đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiến hành điều tra.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải gửi quyết định đó kèm theo tài liệu liên quan đến Viện kiểm sát có thẩm quyền để kiểm sát việc khởi tố.”.
- Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 161; khoản 7 Điều 326.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 467 như sau:
“3. Trường hợp hành vi của người vi phạm nội quy phiên tòa có dấu hiệu tội phạm thì Tòa án yêu cầu, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật này.”.
c) Điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc thuộc thẩm quyền. Cụ thể tại Điều 15 quy định như sau:
- Trong vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định của pháp luật.
- Tòa án hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thu thập, giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật.
- Tòa án yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu của Tòa án.
- Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
- Tòa án tiếp nhận tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp.
- Tòa án kiểm tra, thẩm định tính xác thực của tài liệu, chứng cứ theo quy định của pháp luật.
- Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
Như vậy, so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính thì Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 quy định Tòa án không có trách nhiệm thu thập tài liệu, chứng cứ trong vụ án dân sự. Tòa án chỉ đóng vai trò là chủ thể hướng dẫn, hỗ trợ đương sự thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp luật định. Trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sẽ dựa vào các chứng cứ của các bên đương sự cung cấp để thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để giải quyết vụ án.
GIANG HÀ