Trong thời gian qua, hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân được thực hiện trên cơ sở quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, Luật tổ chức HĐND và Uỷ ban nhân dân, Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của HĐND… Để đảm bảo thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể chế hóa các quy định liên quan đến hoạt động giám sát trong Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Quốc hội năm 2014, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện thì việc ban hành một đạo luật chung về hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND là cần thiết... Do đó, chúng tôi nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Qua nghiên cứu, chúng tôi cũng nhất trí cao với nội dung, bố cục của Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 60 Dự thảo quy định Hội đồng nhân dân xem xét các báo cáo sau đây:
“a) Báo cáo công tác 6 tháng, hằng năm của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp;
b) Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp;
c) Báo cáo của Ủy ban nhân dân về: kinh tế - xã hội; thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương; công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của cử tri;
d) Báo cáo hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; Báo cáo công tác thi hành án”…
Trong khi đó, theo Điều 66 Luật tổ chức VKSND năm 2014, có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2015 quy định: Viện trưởng VKSND tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và cấp dưới; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Tại Điều 42 Luật tổ chức TAND năm 2014, có hiệu lực thi hành ngày 01/6/2015 cũng quy định: Chánh án TAND cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân tỉnh.
Như vậy, việc Dự thảo đã quy định HĐND xem xét báo cáo công tác 6 tháng, hằng năm của Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp (tại điểm a khoản 1 Điều 60); sau đó lại quy định HĐND xem xét báo cáo hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp (tại điểm d khoản 1Điều 60); theo chúng tôi là chưa phù hợp với Luật tổ chức VKSND và Luật tổ chức TAND năm 2014. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bỏ nội dung HĐND xem xét “Báo cáo hoạt động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 60 Dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Ngọc Thảo