Ngày 29/6/2016, Quốc hội khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 144/2016/QH13 lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 (BLHS năm 2015) đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, thay vì có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Theo đó, tiếp tục áp dụng BLHS năm 1999; kể từ ngày 01/7/2016 thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015.
Tiếp đó, ngày 30/6/2016, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015; có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2016. Theo Nghị quyết này, kể từ ngày 09/12/2015 (ngày công bố BLHS năm 2015):
1. Khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội cướp tài sản (Điều 133), tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm (Điều 157), tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 194), tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 194), tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 231), tội chống mệnh lệnh (Điều 316) và tội đầu hàng địch (Điều 322) BLHS năm 1999.
Trường hợp khi xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm, nếu xét thấy hành vi phạm tội là đặc biệt nghiêm trọng và theo quy định của BLHS năm 1999 phải xử phạt người phạm tội với mức hình phạt cao nhất là tử hình thì không xử phạt tử hình mà xử phạt người phạm tội hình phạt tù chung thân.
2. Người đã bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ và bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa thi hành án tử hình mà thuộc một trong các trường hợp sau đây thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân:
a. Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.
“Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.
“Hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án chủ động cung cấp những tin tức, tài liệu, chứng cứ có ý nghĩa cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án (như: chỉ đúng nơi cất giấu vật chứng quan trọng giúp cơ quan chức năng thu hồi được vật chứng đó; khai báo và chỉ đúng nơi đồng phạm khác đang bỏ trốn; khai báo về tội phạm và người phạm tội mới liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án...). Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
b. Sau khi bị kết án, người bị kết án tử hình đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và lập công lớn.
“Lập công lớn” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm không liên quan đến tội phạm mà họ bị kết án; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác; có phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị lớn được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Ngoài những trường hợp nêu trên, có thể xác định những trường hợp khác là “lập công lớn” nhưng phải được các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất áp dụng.
3. Không xử lý hình sự đối với các trường hợp quy định tại điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 và những trường hợp sau đây:
a. Người thực hiện hành vi mà theo quy định của BLHS năm 1999 là tội phạm nhưng theo quy định của BLHS năm 2015 thì hành vi đó chưa cấu thành tội phạm do có bổ sung, thay đổi các yếu tố cấu thành tội phạm đó.
Ví dụ 1: Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, chưa bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy hoặc đã bị kết án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy nhưng đã được xóa án tích mà có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng hoặc thể tích dưới mức quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm i khoản 1 Điều 249 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Ví dụ 2: Một người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đánh bạc hoặc hành vi tổ chức đánh bạc, chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích mà có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
b. Người thực hiện hành vi chuẩn bị phạm các tội trừ các tội danh quy định tại khoản 2 Điều 14 BLHS năm 2015.
4. Kể từ ngày 09/12/2015 đến ngày BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành, chỉ áp dụng quy định của BLHS năm 1999 để xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm thỏa mãn quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 1999 và khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015.
HỒ LƯU