Theo quy định tại Điều 191 BLTTDS năm 2015: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và có một trong các quyết định sau: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn theo quy định của BLTTDS 2015; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác; trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán có thể bị khiếu nại, kiến nghị. BLTTDS 2015 xác định việc khiếu nại, kiến nghị đối với việc trả đơn khởi kiện của Thẩm phán là một quyền rất quan trong của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã làm đơn khởi kiện nộp cho Tòa án, nhưng bị Tòa án từ chối giải quyết; đồng thời kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc trả đơn khởi kiện là trách nhiệm quyền hạn của VKS nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động tố tụng dân sự thật sự dân chủ, công khai, minh bạch. Theo quy định tại Điều 194 BLTTDS năm 2015:
1. Khiếu nại, kiến nghị lần đầu
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.
- Ngay sau khi nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phải phân công một Thẩm phán khác xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện VKS cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp.
- Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện, ý kiến của đại diện VKS và đương sự có khiếu nại tại phiên họp, Thẩm phán phải ra một trong các quyết định sau đây:
+ Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện.
+ Nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án.
2. Khiếu nại, kiến nghị lần hai
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện của Thẩm phán, người khởi kiện có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp xem xét, giải quyết.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp phải ra một trong các quyết định sau đây:
+ Giữ nguyên việc trả lại đơn khởi kiện.
+ Yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm nhận lại đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo để tiến hành việc thụ lý vụ án
Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có hiệu lực thi hành.
3. Xét lại quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện của Chánh án Tòa án cấp trên một cấp trực tiếp
Khi có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án trên một cấp trực tiếp có vi phạm pháp luật trong việc giải quyết kiếu nại, kiến nghị việc trả lại đơn khởi kiện thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, đương sự có quyền khiếu nại, VKS có quyền kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp tỉnh hoặc với Chánh án TAND tối cao nếu quyết định bị khiếu nại, kiến nghị là của Chánh án TAND cấp cao. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại của đương sự, kiến nghị của VKS thì Chánh án phải giải quyết. Quyết định của Chánh án là quyết định cuối cùng.
TRẦN THU