Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02-01-2002 của Bộ Chính trị về “ Một số nhiêm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới ” đã xác định: “…Viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp. Nâng cao chất lượng công tố của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm tranh tụng dân chủ với luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác”. Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02-06-2005 của Bộ Chính trị về “ Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 ” tiếp tục nhấn mạnh “ Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.
Ảnh minh họa.
1- Vị trí, vai trò của VKS trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp là chức năng hiến định của Ngành kiểm sát nhân dân. Điều 137 Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi ) và Điều 1 và Điều 2 Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định: VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụgóp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm để mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải được xử lý theo pháp luật.
Điều 23 BLTTHS quy định: VKS thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được xử lý kịp thời; việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. VKS có trách nhiệm phát hiện kịp thời vi phạm pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng, áp dụng những biện pháp do Bộ luật này quy định để loại trừ việc làm vi phạm pháp luật của những cơ quan, cá nhân này.
Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của VKS trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự được quy định tại Chương III, Luật tổ chức VKSND năm 2002. Tại Điều 16 Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định: Trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, VKSND có trách nhiệm hành quyền công tố, bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội; kiểm sát việc xét xử các vụ án hình sự, nhằm bảo đảm việc xét xử đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời. Tại Điều 19 Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định: Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị với Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm trong việc xét xử; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.
Từ nội dung các quy định pháp luật nêu trên, đã khẳng định: Vị trí, vai trò của VKS trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự là rất quan trọng. Thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp là một dạng thực hiện quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực tư pháp; không một cơ quan, tổ chức nào có thể thay thế VKS trong việc truy tố người phạm tội ra tòa. VKS ND là cơ quan duy nhất truy tố người phạm tội ra xét xử trước Tòa án và thực hiện việc buộc tội tại phiên tòa. Việc xét xử có đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không phụ thuộc vào công tác thực hành quyền công tố của VKSND. Bên cạnh đó, VKSND còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng để kịp thời phát hiện vi phạm trong hoạt động xét xử tại phiên tòa, có kiến nghị, kháng nghị khắc phục sửa chữa.
2- Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự
Tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên tham gia với tư cách là người đại diện VKSND thay mặt Nhà nước để thực hành quyền công tố nhằm buộc tội bị cáo. Theo quy định tại Điều 17, 18 Luật tổ chức VKSND năm 2002 và các Điều 206, 207, 217 BLTTHS: Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, Kiểm sát viên có các nhiệm vụ và quyền hạn:
- Đọc cáo trạng, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.
- Tham gia xét hỏi.
- Thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm; tranh luận với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm;
- Phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân.
- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tham gia tố tụng…
Như vậy, tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự, KSV có nhiệm vụ rất nặng nề. Vụ án có được xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, nghiêm minh, kịp thời hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực và trách nhiệm của Kiểm sát viên.
HỒ NGỌC THẢO