Thứ Sáu, 22/11/2024 12:23 CH

Một số ý kiến về hình phạt tử hình trong Dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi)

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong Bộ luật hình sự và do Toà án quyết định. Hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Hình phạt còn nhằm giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm.


Theo quy định của BLHS hiện hành, hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Theo đó, hình phạt chính bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; cải tạo không giam giữ; trục xuất; tù có thời hạn; tù chung thân; tử hình. Trong đó, hình phạt tử hình là loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.


Thực tiễn thi hành hình phạt tử hình cùng với các hình phạt khác trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội của đất nước; nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế và cải cách tư pháp hiện nay. 


Quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS hiện hành, hiện đang có hai quan điểm về loại hình phạt này:

 

- Quan điểm thứ nhất: Cần xóa bỏ hình phạt tử hình vì việc duy trì hình phạt này là không nhân đạo, tước bỏ quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền được sống; đồng thời việc duy trì hình phạt tử hình sẽ không còn điều kiện giáo dục, cải tạo đối với người phạm tội, như thế mục đích của hình phạt không đạt được...

Bên cạnh đó, hình phạt tử hình không những là biện pháp quá nghiêm khắc đối với người phạm tội mà còn gây tổn thương đến thân nhân của họ.

 

- Quan điểm thứ hai: Tiếp tục duy trì hình phạt tử hình. Bởi trong tình hình đất nước ta hiện nay, nếu không duy trì hình phạt tử hình sẽ không ngăn chặn được những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm hại đến lợi ích chung của xã hội. Hơn nữa, duy trì hình phạt tử hình không phải không mang tính nhân đạo, mà tính nhân đạo thể hiện ở việc trừng trị người phạm tội (số ít) để bảo vệ tính mạng và những lợi ích của số đông (tất cả mọi người) trong xã hội. 


Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, vì nó phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta; phù hợp với xu thế áp dụng loại hình phạt này trên thế giới. Hiện nay, có 94/193 nước là thành viên của Liên Hiệp Quốc vẫn còn áp dụng hình phạt tử hình. Do đó, việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là cần thiết.


Qua tổng kết việc thi hành BLHS cho thấy: Lần sửa đổi BLHS năm 1997 có 44 tội danh áp dụng hình phạt tử hình, BLHS năm 1999 còn 29 tội, đến BLHS sửa đổi năm 2009 giảm xuống còn 22 tội và hiện nay Dự thảo BLHS (sửa đổi) giảm còn 15 tội có hình phạt tử hình.


Theo quy định của BLHS hiện hành, mặc dù hình phạt tử hình được quy định áp dụng đối với 22 tội danh với 23 cấu thành tội phạm nhưng trên thực tế các tòa án chủ yếu áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội giết người (như giết người chiếm đoạt tài sản; giết người có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, thực hiện tội phạm đến cùng…) và tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy (chủ yếu các đối tượng mua bán, tàng trữ với số lượng ma túy lớn, hoạt động có tổ chức)… Việc áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội ngày càng ít, thậm chí có tội chưa bao giờ áp dụng mức hình phạt cao nhất này. Một số tội chỉ cần áp dụng hình phạt cao nhất là tù chung thân để thay vì tử hình cũng đủ tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.


Hình phạt tử hình chỉ nên áp dụng đối với một số trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc 3 nhóm tội: một là, các tội xâm hại hoặc đe dọa xâm hại sự tồn vong của Nhà nước, của chế độ; hai là, các tội xâm hại tính mạng con người, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của giống nòi; ba là, các tội xâm hại an ninh và hòa bình thế giới.


Tại khoản 1 Điều 39 Dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định:


1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội khi có đủ các điều kiện sau đây:


a) Tội đã phạm là tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định;


b) Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm, người phạm tội có tính chất côn đồ, tái phạm nguy hiểm, hoặc thực hiện tội phạm một cách man rợ, dã man, tàn bạo hoặc có nhiều tình tiết tăng nặng.


Việc quy định như vậy là phù hợp. Vì vậy, trong lần sửa đổi BLHS lần này cần thu gọn phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Về cơ bản, chúng tôi nhất trí với Dự thảo BLHS (sửa đổi) bỏ hình phạt tử hình đối với một số loại tội. Trên cơ sở áp dụng BLHS thời gian qua cho thấy, cần xem xét bỏ hình phạt tử hình trong các loại tội sau: Cướp tài sản; Chống mệnh lệnh; Đầu hàng địch.


Còn đối với tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; vận chuyển trái phép chất ma túy; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược: Cần thiết duy trì hình phạt tử hình đối với các tội này để bảo bảm tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.


Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn (Điểm c khoản 3 Điều 39 Dự thảo): Chúng tôi thống nhất với quy định này, vì đây là quy định nhằm hạn chế hình phạt tử hình, tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực bằng những hành động cụ thể để khắc phục cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, giúp các cơ quan chức năng thu hồi lại được các tài sản bị chiếm đoạt, bị thất thoát, lãng phí.


Về quy định tại khoản 3 Điều 63 Dự thảo BLHS (sửa đổi) giảm án đối với người bị kết án tử hình là phù hợp, nhưng chúng tôi đề nghị bổ sung quy định đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân thì không được xét giảm án xuống tù có thời hạn.


Giang Hà

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 18/11/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Đ/c Viện trưởng và đại diện Lãnh đạo Phòng 1, 7 dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai các giải pháp giảm nguồn cầu về ma túy tại Công an tỉnh.

14h00: 

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

 

Thứ 3, 19/11/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

09h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 18 (đợt 1).

14h00:

- Đ/c Viện trưởng, đ/c Liên - PVT nghe Lãnh đạo Phòng 9 báo cáo công tác.

 

Thứ 4, 20/11/2024: 

08h00:

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

13h30:

- Đ/c Viện trưởng và Đoàn kiểm tra kiểm tra toàn diện công tác kiểm sát năm 2024 tại VKSND huyện Tuy An.

14h00:

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

 

Thứ 5, 21/11/2024:  

07h30:

- Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng trình bày, duyệt văn bản qua môi trường mạng và công tác lưu trữ (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện và toàn thể công chức VKSND tỉnh).

08h00:

- Đ/c Thảo - PVT và Phòng 8 trực tiếp kiểm sát tại Trại tạm giam Công an tỉnh.

13h00:

- Đ/c Viện trưởng dự Hội nghị thực hiện quy trình công tác cán bộ chủ chốt tại Hà Nội (02 ngày).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT và Phó Chánh VP phụ trách dự Hội nghị trù bị chuẩn bị tổng kết Cụm thi đua VKSND cấp huyện năm 2024 tại VKSND TP Tuy Hòa.

 

Thứ 6, 22/11/2024:

08h00:

- Đ/c Liên - PVT dự Hội nghị trù bị chuẩn bị tổng kết Khối thi đua cấp phòng VKSND tỉnh năm 2024 (tại phòng họp, thành phần: đại diện Lãnh đạo Phòng và công chức làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong Khối thi đua).


Thứ 7, 23/11/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 24/11/2024:

Phân công trực cơ quan