Lâu nay, nhiều người vẫn “gọi” án treo là một loại hình phạt. Cách hiểu như vậy là không đúng với bản chất của án treo. Theo quy định tại Nghị quyết số 01/2013/NQ- HĐTP ngày 06/11/2013 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao thì “ Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện…”. Theo khoản 1 Điều 60 BLHS năm 1999 “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm”. Điều 65 BLHS năm 2015 quy định về án treo về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định nói trên. Tuy nhiên, Điều 65 BLHS có một số sửa đổi, bổ sung đáng chú ý như sau:
Thứ nhất: Bổ sung quy định người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo phải “thực hiện các vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự”.
Thứ hai: Quy định về trường hợp trong thời gian thử thách, nếu người bị kết án phạt tù cho hưởng án treo lại thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới, được BLHS năm 2015 giữ nguyên như quy định của BLHS năm 1999. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã bổ sung trường hợp “Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo”. Đây là một quy định mới nghiêm khắc hơn đối với người được hưởng án treo, nhằm đề cao hơn tác dụng của án treo đối với người bị kết án.
Thứ ba: Khoản 3 Điều 60 BLHS quy định “ Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này”. BLHS năm 2015 quy định rõ ràng hơn về phạm vi áp dụng hình phạt bổ sung. Theo đó, khoản 3 Điều 65 quy định “Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này”.
HỒ LƯU