Bộ Luật hình sự năm 2015 có nhiều quy định mới, rõ ràng, cụ thể hơn so với BLHS năm 1999 về các loại tội xâm phạm sở hữu; trong đó có tội trộm cắp tài sản.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999: Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 quy định về tội trộm cắp tài sản vẫn giữ nguyên về mức hình phạt “cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”, nhưng đã sửa đổi, bổ sung so với khoản 1 Điều 138 BLHS năm 1999 như sau:
Thứ nhất: Trường hợp trộm cắp tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng nhưng “gây hậu quả nghiêm trọng” được thay bằng “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Thứ hai: Điều 173 đã quy định rõ hơn, toàn diện hơn về tình tiết định tội khi tài sản trộm cắp có giá trị dưới 02 triệu đồng, theo đó: BLHS năm 1999 quy định “đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt” thì BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung thành “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản”. Và sửa đổi, bổ sung “đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm” thành “đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Thứ ba: Điểm đáng chú ý nữa là cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015 thì: Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá dưới 02 triệu đồng nhưng “Tài sản đó là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại” thì cũng bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản.
Về các quy định tại khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 cơ bản vẫn giữ nguyên về mức hình phạt tù ( từ 02 năm đến 07 năm), về các tình tiết định khung tăng nặng có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; hành hung để tẩu thoát; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 173 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và bổ sung tình tiết hoàn toàn mới “Trộm cắp tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này”.
Tương tự, khoản khoản 3 Điều 173 BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên về mức hình phạt tù (từ 07 năm đến 15 năm) và tình tiết định khung tăng nặng chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; bỏ tình tiết “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bổ sung 02 tình tiết hoàn toàn mới “Trộm cắp tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này” và “Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”.
Khoản 4 Điều 173 BLHS năm 2015 so với khoản 4 Điều 138 BLHS năm 1999 đã bỏ hình phạt tù chung thân, giữ nguyên mức hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm và tình tiết “chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên”. Và cũng giống như quy định tại các khoản 2, 3, tại khoản 4 Điều 173 đã bổ sung hai tình tiết mới “Trộm cắp tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này” và “Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.
Về khoản 5 Điều 173 BLHS năm 2015 vẫn giữ nguyên như quy định tại khoản 5 Điều 138 BLHS năm 1999: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Một điểm đáng chú ý nữa về kỹ thuật lập pháp. Đó là tất các quy định về số lượng, giá trị tại Điều 138 như sáu tháng, ba năm, hai triệu đồng, năm mươi triệu đồng… đều được Điều 173 quy định bằng con số như 06 tháng, 03 năm, 2.000.0000đ, 50.000.000đ…
HỒ LƯU - HỒNG KHOÁNG