Theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự năm 2015:
Kể từ ngày Bộ luật hình sự năm 2015 được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm tội mà Bộ luật hình sự năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, đối với người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử;
b) Hình phạt tử hình đã tuyên đối với người được nêu tại điểm a khoản này nhưng chưa thi hành án, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
c) Đối với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật hình sự năm 2015, thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm, bao gồm: tảo hôn; báo cáo sai trong quản lý kinh tế; vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; sử dụng trái phép quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ của tổ chức tín dụng; không chấp hành các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính. Nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
đ) Không xử lý về hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi về tội phạm không được quy định tại khoản 2 Điều 12 và các điểm b, c khoản 2 Điều 14 của Bộ luật hình sự năm 2015; nếu vụ án đã được khởi tố, đang điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trong trường hợp người đó đã bị kết án và đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; nếu người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại theoquy định tại điểm d và điểm đ khoản này, thì đương nhiên được xóa án tích.
Ngày 31/12/2015, TAND tối cao đã ban hành văn bản số 326/TANDTC-PC hướng dẫn việc xử lý đối với một số trường hợp cụ thể Nghị quyết nói trên. Theo đó:
Về việc áp dụng hình phạt tử hình:
- Kể từ ngày 18/12/2015, khi xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội mà BLHS năm 2015 đã bỏ hình phạt tử hình, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử (không phân biệt hành vi phạm tội được thực hiện trước hay sau ngày 18/12/2015).
- Trường hợp hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 18/12/2015 đối với người được nêu tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109 và bản án đã có hiệu lực pháp luật, thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm báo cáo ngay cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để Chánh án Toà án nhân dân tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân đối với người bị kết án.
Về xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi mà Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là tội phạm nhưng Bộ luật hình sự năm 2015 không quy định là tội phạm; về xử lý về hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội:
Kể từ ngày 18/12/2015, không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại điểm d và đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109. Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, thì cần phân biệt như sau:
a) Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ trách nhiệm hình sự của bị can mà Toà án cấp sơ thẩm xét thấy có căn cứ, thì Toà án áp dụng điểm b khoản 2 Điều 176 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01/7/2016 thì áp dụng điểm b khoản 1 Điều 277 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) ra quyết định trả hồ sơ cho Viện kiểm sát;
b) Trường hợp Viện kiểm sát có Công văn (hoặc Quyết định) rút quyết định truy tố và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà xét xử vụ án đó áp dụng điểm d hoặc điểm đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109 và Điều 181 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01/7/2016 thì áp dụng Điều 285 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) ra quyết định đình chỉ vụ án;
c) Trường hợp Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định truy tố, thì Thẩm phán được phân công làm chủ toạ phiên toà (nếu trong thời hạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (nếu tại phiên toà sơ thẩm) áp dụng điểm d hoặc điểm đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109, khoản 2 Điều 107 và Điều 180 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01/7/2016 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) ra quyết định đình chỉ vụ án;
d) Trường hợp vụ án đang trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, thì Toà án cấp phúc thẩm phải mở phiên toà và Hội đồng xét xử áp dụng điểm d hoặc điểm đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109, khoản 2 Điều 107 và Điều 251 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (kể từ ngày 01/7/2016 thì áp dụng khoản 2 Điều 157 và Điều 359 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) quyết định huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án;
đ) Cần chú ý rằng việc đình chỉ vụ án đối với các trường hợp được quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 1 của Nghị quyết số 109 về mặt hình sự, còn các vấn đề khác như trách nhiệm bồi thường thiệt hại, xử lý vật chứng... (kể cả việc xừ lý hành chính, xử lý kỷ luật) hoặc xét xử về các tội phạm khác, các bị cáo khác trong vụ án (nếu có), thì vẫn được giải quyết theo thủ tục chung.
GIANG HÀ