VKSND tối cao vừa ban hành hướng dẫn số 28/HD-VKSTC về một số nội dung nhằm phát hiện vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hành chính để ban hành kháng nghị phúc thẩm. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh tiếp tục giới thiệu nội dung của hướng dẫn này.
Vi phạm của Hội đồng xét xử khi quyết định vượt quá thẩm quyền
Thẩm quyền của Hội đồng xét xử được quy định tại Điều 193 Luật Tố tụng hành chính 2015. Tuy nhiên, có một số trường hợp Hội đồng xét xử quyết định những nội dung không thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử mà thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính Nhà nước. Khi kiểm sát về thẩm quyền của Hội đồng xét xử đối với quyết định hành chính thì Kiểm sát viên lưu ý không bị nhầm lẫn giữa thẩm quyền của Hội đồng xét xử với nhiệm vụ, công vụ cụ thể của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước. Đối với hành vi hành chính trái pháp luật thì Kiểm sát viên cần lưu ý là Hội đồng xét xử phải tuyên buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật.
Ví dụ: Bà Lê Thị N là người khởi kiện, ông Nguyễn Vinh M là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cùng yêu cầu Tòa án giải quyết buộc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho bà N và ông M theo “Giấy thỏa thuận phân chia đất mua chung” do bà N và ông M lập ngày 16/5/2003, đối với diện tích 20 ha tại ấp T, xã Ph, huyện Đ.
Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N và yêu cầu độc lập của ông M, buộc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho bà N đối với diện tích 10.189,1 m2 và cấp GCNQSDĐ cho ông M đối với diện tích 11.855,6 m2.
Như vậy, trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định việc UBND huyện Đ không cấp GCNQSDĐ cho bà N và ông M là trái pháp luật thì phải tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện và buộc UBND huyện Đ chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật theo quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 193 Luật tố tụng hành chính 2015 và thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật là đủ. Nhưng Tòa án sơ thẩm tuyên buộc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho diện tích cụ thể đối với bà N diện tích 10.189,1 m2 và ông M đối với diện tích 11.855,6 m2 là không đúng. Do đó, cấp phúc thẩm xét xử đã sửa án sơ thẩm với nội dung buộc UBND huyện Đ chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật và cấp GCNQSDĐ cho bà N và ông M theo quy định của pháp luật.
Vi phạm trong việc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
Những vi phạm trong trường hợp này chỉ được phát hiện khi Viện kiểm sát nhận được quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Do thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định, nên Kiểm sát viên phải kịp thời kiểm sát các căn cứ Tòa án áp dụng để đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính. Khi xác định có dấu hiệu vi phạm thì Kiểm sát viên phải kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện ban hành văn bản yêu cầu Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nghiên cứu theo Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016, sau khi xem xét hồ sơ vụ việc, nếu xác định vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện để ban hành kháng nghị phúc thẩm.
Phát hiện vi phạm pháp luật về nội dung trong quá trình giải quyết vụ án hành chính của Tòa án
Vi phạm trong việc đánh giá chứng cứ
Việc đánh giá chứng cứ là rất quan trọng, do đó Kiểm sát viên phải nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án. Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích nhà nước. Trong các vụ án hành chính liên quan đến công tác quản lý về đất đai, vi phạm thường xảy ra trong việc xác định nguồn gốc đất, phân loại mục đích sử dụng đất, vị trí, xác định ranh giới thửa đất, công tác quản lý hồ sơ địa chính, trình tự, thủ tục, lập hồ sơ chưa đúng quy định của pháp luật về đất đai dẫn đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không chính xác, lập phương án bồi thường không phù hợp.
Ví dụ 1: Gia đình cụ Phạm Văn T và Trần Thị B trú tại tỉnh N có các người con gồm các ông, bà: Phạm Văn Y, Phạm Văn C, Phạm Văn Tr, Phạm Thị M, Phạm Thị D, Phạm Thị Q, Phạm Thị H và ông Phạm Văn H (ông Y và bà H đã chết). Năm 1980, cụ T và B cùng gia đình chuyển vào sinh sống lại thôn H, xã E, huyện Đ, tỉnh K, khai hoang và nhận chuyển nhượng của người dân với diện tích đất là 6.160 m2 thuộc xã E, huyện Đ để trồng cà phê, tiêu, lúa và sử dụng liên tục từ năm 1980 đến năm 1999.
Ông Phạm Văn Y đã tự kê khai đứng tên toàn bộ diện tích đất nêu trên của cụ T và B. Ông Y kê khai nguồn gốc dựa trên “Trích Biên bản họp gia đình ngày 09/10/1999”. Khi biết đất của 2 cụ T và B đã được Ủy ban nhân dân huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Phạm Văn Y, nên ngày 21/10/2014 và ngày 25/7/2016, ông Phạm Văn C đại diện cho những người thừa kế của cụ T và B (cụ B chết năm 1998; cụ T chết năm 1999 không để lại di chúc) có đơn khiếu nại về việc UBND huyện Đ, tỉnh K cấp GCNQSDĐ là trái pháp luật và đề nghị UBND huyện Đ thu hồi 02 GCNQSDĐ số AC 975854, AC 975661 cấp ngày 30/11/2005 cho hộ gia đình ông Phạm Văn Y và bà Trần Thị V (vợ ông Y) do cấp không đúng đối tượng sử dụng đất, không đủ điều kiện được cấp. Quá trình giải quyết đơn khiếu nại của ông C thì có hai văn bản sau:
Kết luận giám định số 422/PC54 ngày 04/7/2016 của Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh K kết luận có sự giả mạo chữ ký của bà Phạm Thị Q trong “Trích biên bản họp gia đình ngày 09/10/1999” và bà Phạm Thị H không ký vào biên bản;
Báo cáo số 06/BC-ĐXM ngày 09/3/2017 của UBND huyện Đ về việc tiến hành xác minh kết luận: Việc UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ đối với các thửa đất đang tranh chấp nêu trên cho ông Y, bà V ảnh hưởng đến quyền lợi của bà H và bà Q; việc ông Phạm Văn C khiếu nại UBND huyện Đ cấp GCNQSDĐ cho ông Y, bà V không đúng quy định của pháp luật là có cơ sở.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Đ ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 4524/QĐ-UBND ngày 08/9/2017 đã bác toàn bộ khiếu nại của ông C và Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm cũng đã bác yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông C là không phù hợp với tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án gồm Kết luận giám định và báo cáo kết quả xác minh nêu trên. Do đó, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Kháng nghị giám đốc thẩm đề nghị hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ví dụ 2: Năm 2015, ông Phạm V làm đơn gửi UBND xã N, thành phố M, tỉnh H đề nghị kiểm tra đo đạc xác định nguồn gốc 2 thửa đất có diện tích 80m2 và diện tích 150m2, đồng thời xem xét bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi diện tích 108,2m2 của hai thửa đất. Chủ tịch UBND xã N đã ban hành Quyết định số 117/QĐ-UBND ngày 06/6/2017 bác khiếu nại của ông V về xem xét bồi thường. Ông V khiếu nại đến Chủ tịch UBND thành phố M và Chủ tịch UBND thành phố M ban hành Quyết định số 2981/QĐ-UBND ngày 15/5/2018 bác khiếu nại của ông V.
Ông V khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định số 117/QĐ-UBND và Quyết định số 2981/QĐ-UBND về việc xem xét bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi diện tích 108,2m2 của hai thửa đất tại thôn H, xã N, thành phố M và công nhận quyền sử dụng đất phần diện tích còn lại của 2 thửa đất trên cho ông. Về nguồn gốc đất, tại Công văn số 82 ngày 26/9/2016 và Công văn số 32 ngày 26/4/2016 của UBND xã N xác định: Nguồn gốc hình thành nhà đất của ông V là do cha mẹ để lại và do nhận chuyển nhượng mà có; việc gia đình ông V không sử dụng đất liên tục từ sau năm 2000 là do hậu quả của cơn bão số 8, đất bị sạt lở; về hồ sơ kê khai, đăng ký và nộp thuế đất, theo Công văn 83 ngày 06/8/2019 của UBND xã N xác định: Việc gia đình ông V không kê khai đăng ký và thực hiện nghĩa vụ thuế là do lỗi UBND các cấp, không phải lỗi của của hộ ông V.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã N và Chủ tịch UBND thành phố M ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại và Tòa án cấp sơ thẩm sau khi thụ lý giải quyết đơn của ông V đã không căn cứ vào kết quả do chính UBND xã nơi đương sự có tài sản khiếu nại đã xác nhận việc gia đình ông V không sử dụng đất liên tục là do có sự kiện bất khả kháng từ thiên tai bão lũ. Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đã tuyên không chấp nhận đơn khởi kiện của ông V là vi phạm Điều 81, 95 Luật Tố Tụng hành chính 2015 trong việc xác định nguồn chứng cứ và đánh giá chứng cứ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông V nên Tòa án cấp phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm để cấp sơ thẩm xét xử lại…(còn nữa).
THU ANH