Thứ Năm, 14/11/2024 02:26 SA

VKSND tối cao giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình (tiếp theo và hết)

Vụ kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình và Vụ pháp chế và quản lý khoa học VKSND tối cao vừa phối hợp giải đáp những khó khăn, vướng mắc về nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình. Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh Phú Yên tiếp tục giới thiệu các nội dung giải đáp.
Câu 7. Về giải quyết vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất
Thửa đất của A và thửa đất của B liền kề nhau, khi A xây hàng rào có lấn sang một phần đất của B. B biết nhưng không có ý kiến gì và các bên sử dụng hàng rào ổn định, không có tranh chấp. Sau đó, B chuyển nhượng toàn bộ diện tích thửa đất của B cho C, trong hợp đồng chuyển nhượng ghi diện tích trên GCNQSDĐ của B (gồm cả diện tích đất đã bị A lấn chiếm). C được cấp GCNQSDĐ với diện tích đúng bằng diện tích đã nhận chuyển nhượng trên GCNQSDĐ của B. Sau đó, C phát hiện diện tích đất thực tế bị thiếu so với diện tích trên GCNQSDĐ và khởi kiện yêu cầu A trả lại phần đất lấn chiếm. Trường hợp này khi giải quyết phải căn cứ vào mốc ranh giới thực tế sử dụng giữa A và B để bác yêu cầu khởi kiện đối với C hay buộc A phải trả lại phần đất lấn chiếm.
Trả lời:
Trên cơ sở những thông tin nêu trên, VKSND tối cao có ý kiến như sau:
- Diện tích đất bị A lấn chiếm là của B, thể hiện trong GCNQSDĐ của B. Việc B không phản đối khi A lấn chiếm một phần diện tích đất của mình và để A xây hàng rào không đương nhiên được hiểu là B đã cho A diện tích đất trên.
- Khi B chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho C đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích trên GCNQSDĐ (gồm cả diện tích đất bị A lấn chiếm) cho thấy B vẫn xác định diện tích đất này là của mình. Còn C đã trả tiền cho toàn bộ diện tích đất trên GCNQSDĐ của B.
- Toà án cần để A và C thỏa thuận về việc A có được tiếp tục sử dụng đất lấn chiếm không. Nếu C không đồng ý, A phải trả lại diện tích đất đã lấn chiếm cho C.
Câu 8. Về giải quyết tranh chấp yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng
Quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng ông A, bà B. Ông A lập hợp đồng tặng cho con là anh K, bà B không ký hợp đồng nhưng bà biết và không phản đối. Hiện anh K phải thi hành án với số tiền hơn 06 tỷ đồng, bà B sợ quyền sử dụng đất đã tặng cho anh K sẽ bị kê biên để thi hành án nên bà khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A với anh K và hủy GCNQSDĐ của anh K. Anh K đồng ý toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B.
Vụ việc cho thấy có dấu hiệu bà B khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa ông A với anh K và hủy GCNQSDĐ của anh K là nhằm tẩu tán tài sản để không bị kê biên tài sản thi hành án. Tuy nhiên, do hợp đồng tặng cho không có chữ ký của bà B nên Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B. Việc giải quyết của Tòa án có đúng không?
Trả lời:
- Nếu có tài liệu, chứng cứ chứng minh là bà B biết rõ việc ông A lập hợp đồng tặng cho mà không phản đối (như bà B trực tiếp cất giữ, quản lý GCNQSDĐ của anh K hoặc bà B cùng tham gia vào các giao dịch đối với quyền sử dụng đất do anh K thực hiện…) thì Tòa án có thể công nhận hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất theo Án lệ số 03/2016, tức là không chấp nhận yêu cầu của bà B.
- Nếu có đầy đủ tài liệu, chứng cứ chứng minh bà B không biết việc ông A tặng cho quyền sử dụng đất cho anh K thì Tòa án có thể xác định hợp đồng tặng cho vô hiệu đối với phần tài sản của bà B trong khối tài sản chung với ông A, tức là chấp nhận một phần yêu cầu của bà B.
Vì vậy, Tòa án chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà B, tức là hủy toàn bộ hợp đồng tặng cho và hủy GCNQSDĐ của anh K là không đúng, trái với ý chí của ông A định đoạt phần tài sản của mình.
Câu 9. Về việc áp dụng Án lệ số 03/2016
Nguồn gốc đất của bố mẹ để cho vợ chồng người con sử dụng, khi vợ chồng người con xây nhà, bố mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì, thời điểm vợ chồng người con kê khai, được cấp GCNQSDĐ thì bố hoặc mẹ đã chết trước thì có xác định đất đã được bố mẹ cho vợ chồng người con theo Án lệ số 03/2016 hay không?
Trả lời:
Theo nội dung Án lệ số 03/2016 thì trường hợp nêu trên chưa có đầy đủ các điều kiện để xác định đất đã được bố mẹ cho vợ chồng người con vì tại thời điểm vợ chồng người con kê khai, được cấp GCNQSDĐ thì bố hoặc mẹ đã chết (theo Án lệ số 03/2016 thì cả bố và mẹ đều còn sống vào thời điểm vợ chồng người con được cấp GCNQSDĐ và biết rõ việc này). Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào tài liệu, chứng cứ của từng vụ án mà có thể công nhận cho vợ chồng người con phần diện tích đất vợ chồng người con đã xây nhà ở kiên cố, hoặc phần diện tích đất là tài sản của người mẹ hoặc bố còn sống tại thời điểm vợ chồng người con kê khai, được cấp GCNQSDĐ, biết rõ mà không phản đối.
Câu 10. Về tài liệu là căn cứ xác định thiệt hại để giải quyết bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
1. A tố giác B có hành vi gây thương tích cho A, trong quá trình thụ lý, giải quyết tin báo, Cơ quan điều tra không trưng cầu giám định tỷ lệ thương tật mà căn cứ vào Giấy chứng nhận thương tích của Bệnh viện và lời khai của các nhân chứng, xác định B không có hành vi gây thương tích cho A và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự. A khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu B bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Tòa án không trưng cầu giám định thương tích của A mà căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra để bác yêu cầu khởi kiện của A.
2. A cho rằng B có hành vi san lấp mặt bằng làm nước không có lối thoát dẫn đến hậu quả làm các cây trồng lâu năm trong vườn của A bị ngập, úng nước và chết. A khởi kiện yêu cầu B bồi thường thiệt hại do hành vi trên gây ra. Tòa án không trưng cầu cơ quan chuyên môn kết luận nguyên nhân dẫn đến cây trồng của A bị chết mà căn cứ vào văn bản của Phòng Nông nghiệp huyện trả lời “có khả năng cây chết do ngập úng” để giải quyết chấp nhận yêu cầu của A.
Việc Tòa án không tiến hành trưng cầu giám định mà căn cứ vào các văn bản của các cơ quan trong 02 trường hợp trên để giải quyết vụ án có đúng không?
Trả lời:
1. Đối với trường hợp thứ nhất, Cơ quan điều tra đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì lý do B không có hành vi gây thương tích cho A. Đây là tình tiết không phải chứng minh theo Điều 92 BLTTDS (tình tiết đã được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền). Nếu sau này có căn cứ xác định quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra là sai thì đây được xác định là tình tiết mới để kháng nghị tái thẩm. Do đó, việc Tòa án không tiến hành trưng cầu giám định mà căn cứ vào kết luận của Cơ quan điều tra để bác yêu cầu khởi kiện của A là đúng.
2. Đối với trường hợp thứ hai, hành vi san lấp mặt bằng của B làm ngập úng và gây thiệt hại về cây trồng của A. Khi giải quyết, Tòa án chỉ căn cứ vào văn bản có tính chất tham khảo của Phòng Nông nghiệp với nội dung “có khả năng cây chết do ngập úng” để chấp nhận yêu cầu của A là không đủ cơ sở xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi xâm phạm đối với tài sản và thiệt hại thực tế xảy ra (đây là một trong các căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại) nên Toà án chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường của A là không đúng.
Câu 11. Về trách nhiệm bồi thường khi văn bản công chứng không đúng quy định
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng tại Phòng Công chứng A, sau đó đương sự thực hiện các giao dịch dân sự với các chủ thể khác thì dẫn đến tranh chấp, khởi kiện. Tòa án xác định: Việc công chứng của Công chứng viên là không đúng pháp luật nên các giao dịch dân sự vô hiệu, nhưng hiện tại Phòng Công chứng A đã được chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng B. Vậy chủ thể nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho đương sự?
Trả lời:
Theo khoản 5 Điều 33, khoản 1 Điều 38 Luật Công chứng năm 2014 thì “Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên…của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng”.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định “Văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi Phòng công chứng phải kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ công chứng của Phòng công chứng đó”. Như vậy, Phòng Công chứng A đã được chuyển đổi thành Văn phòng Công chứng B nên Văn phòng công chứng B phải kế thừa, thực hiện quyền, nghĩa vụ của Phòng Công chứng A, kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo khoản 2 Điều 38 Luật Công chứng 2014 thì “Công chứng viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

THU ANH

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 11/11/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

14h00: 

- Hội nghị trực tuyến chuyên đề án dân sự, kinh doanh thương mại, lao động do VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tổ chức (tại hội trường, thành phần: Đ/c Viện trưởng, đ/c Liên - PVT; Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng;  Kiểm sát viên và công chức Phòng 9).

 

Thứ 3, 12/11/2024: 

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT và Phòng 1 họp liên ngành tại CQCSĐT Công an tỉnh.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

14h00:

- Họp Ủy ban kiểm sát mở rộng thông qua dự thảo Báo cáo HĐND năm 2024 (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện; Trưởng phòng, Chánh thanh tra, Phó CVP phụ trách, Phó Trưởng phòng 7, 8 và cán bộ tổng hợp, thống kê của Văn phòng).


Thứ 4, 13/11/2024: 

08h00:

- Họp Lãnh đạo Viện nhận xét đánh giá công chức năm 2024.

14h00:

- Họp Đảng ủy đánh giá xếp loại tổ chức đảng, đảng viên năm 2024.

 

Thứ 5, 14/11/2024:  

08h00:

- Hội nghị cán bộ chủ chốt nhận xét, tham gia góp ý đối với Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Phú Yên năm 2024 (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện; Trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Phó Chánh Văn phòng phụ trách, Phó Trưởng phòng 7, 8 VKSND tỉnh; đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên; Viện trưởng VKSND cấp huyện).

14h00:

- Đoàn thanh tra VKSND tối cao thông qua kết quả thanh tra trực tiếp (tại phòng họp, thành phần: Lãnh đạo Viện; Trưởng phòng, Chánh Thanh tra, Phó CVP phụ trách, Phó Trưởng phòng 7, 8; Viện trưởng VKSND cấp huyện).

 

Thứ 6, 15/11/2024:

10h00:

- Đ/c Viện trưởng dự phiên họp thứ 11 của Ban Chỉ đạo tỉnh tại Tỉnh ủy.

14h00:

- Đ/c Viện trưởng, đ/c Liên - PVT dự họp xin ý kiến của các đồng chí cán bộ lão thành đã làm công tác kiểm sát dân sự, kiểm sát chung qua các thời kỳ để phục vụ xây dựng dự thảo Đề án của BCS đảng VKSND tối cao trình Bộ Chính trị (tại phòng họp; mời lãnh đạo Phòng 9, đại diện lãnh đạo VKSND cấp huyện phụ trách án dân sự dự).


Thứ 7, 16/11/2024: 

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 17/11/2024:

Phân công trực cơ quan