Thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 28/6/2021 của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường trách nhiệm, hiệu quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, vừa qua VKSND tỉnh Phú Yên đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-VKSTC.
Theo đó, việc ban hành kế hoạch nhằm tiếp tục tăng cường trách nhiệm, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; góp phần thực hiện đúng chính sách hình sự, đảm bảo quyền của bị can, bị cáo và người bị kết án phạt tù; phục vụ tích cực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Kịp thời phát hiện những vi phạm, thiếu sót trong việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu chấm dứt, khắc phục, sửa chữa.
Kế hoạch của VKSND tỉnh yêu cầu tiếp tục tổ chức nghiên cứu, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các Chỉ thị, Kế hoạch, Quy chế của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự. Nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự trong giai đoạn hiện nay, góp phần ổn định an ninh trật tự, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Các Phòng 1, 7, 8 VKSND tỉnh và VKSND huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Quán triệt cho Kiểm sát viên, công chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ quy định của pháp luật về áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự (các điều 13, 21, 46 và Điều 49), Bộ luật tố tụng hình sự (các điều 41, 165, 447, 448, 449, 450, 451, 452, 453 và Điều 454), Luật thi hành án hình sự (các điều 132, 133, 135, 136, 137, 138, 139 và Điều 140) và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy chế, quy định của Ngành. Đồng thời, bảo đảm Kiểm sát viên, công chức nắm chắc các quy định về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; nhận thức đúng nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của VKS trong thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở các giai đoạn tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật, quy định của Ngành.
2. Khi kiểm sát việc quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải kiểm sát chặt chẽ việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần của Cơ quan điều tra về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trong đó tập trung kiểm sát việc thu thập tài liệu, nguồn gốc của tài liệu được sử dụng cho hoạt động giám định, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp đưa tài liệu giả, không hợp pháp vào hồ sơ giám định, bảo đảm kết quả giám định pháp y tâm thần chính xác, có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Chủ động phối hợp với Điều tra viên xem xét, đánh giá nội dung Kết luận giám định; kiểm tra, đối chiếu kết quả ghi trong Kết luận giám định pháp y tâm thần với nội dung trưng cầu giám định, đối chiếu giữa nội dung Kết luận giám định pháp y tâm thần với quy định của pháp luật, bảo đảm việc quyết định áp dụng bắt buộc chữa bệnh phải chính xác, khách quan, đúng đối tượng theo quy định. Trường hợp Kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì yêu cầu Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định bổ sung; trường hợp có nghi ngờ kết quả giám định không chính xác thì thống nhất với Cơ quan điều tra để quyết định trưng cầu giám định lại theo quy định của pháp luật. Sau khi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh phải kiểm sát ngay việc áp giải đối tượng, việc lập hồ sơ chuyển giao cho cơ sở điều trị theo chỉ định, trong đó chú ý kiểm sát biên bản giao nhận để xác định thời điểm đưa đối tượng vào điều trị.
3. Khi VKS trưng cầu giám định pháp y tâm thần và ra quyết định bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên cần bảo đảm chặt chẽ trong việc thu thập tài liệu, lập hồ sơ trưng cầu giám định. Chủ động kiểm tra, đối chiếu kết quả giám định pháp y tâm thần với những nội dung đã trưng cầu giám định; trường hợp Kết luận giám định pháp y tâm thần chưa rõ ràng, chưa đầy đủ thì phải báo cáo lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện để xem xét, quyết định việc trưng cầu giám định bổ sung; trường hợp xét thấy kết quả giám định không chính xác, khách quan thì kịp thời quyết định trưng cầu giám định lại bảo đảm quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đúng đối tượng theo quy định. Thực hiện kiểm sát việc áp giải, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng bắt buộc chữa bệnh như đã nêu tại tiểu mục 2 mục II Kế hoạch này.
4. Đối với hoạt động kiểm sát việc ra quyết định áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh ở giai đoạn xét xử và thi hành án hình sự, Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ việc Tòa án áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, bảo đảm đúng quy định tại Điều 451, Điều 452 BLTTHS và đúng đối tượng áp dụng. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, VKS phải kịp thời có văn bản yêu cầu Tòa án cung cấp những tài liệu làm căn cứ cho việc ra quyết định; trên cơ sở những tài liệu đó, Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát về điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đảm bảo việc áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Kiểm sát chặt chẽ các nội dung về trưng cầu giám định pháp y tâm thần, về áp giải, lập hồ sơ chuyển giao đối tượng bắt buộc chữa bệnh.
5. Khi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc kiểm sát việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, phải lập hồ sơ riêng gồm đầy đủ tài liệu liên quan để bảo đảm việc quản lý, theo dõi, tránh sót lọt. Đồng thời, rà soát để lập hồ sơ riêng đối với các trường hợp trước đây VKS đã quyết định áp dụng hoặc đã kiểm sát việc Tòa án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để phục vụ công tác quản lý và kiểm tra xử lý sau này.
6. Trưởng Phòng 1, 7, 8 VKSND tỉnh và Viện trưởng VKSND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Kiểm sát viên thực hiện một số nội dung sau:
Nắm chắc số lượng các trường hợp mà đơn vị mình đã quyết định áp dụng hoặc có trách nhiệm kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; định kỳ rà soát, nếu thấy có trường hợp điều trị bắt buộc kéo dài thì chủ động tiến hành xác minh để nắm lại quá trình điều trị, tình trạng bệnh của đối tượng.
Thường xuyên phối hợp với cơ sở điều trị và cơ quan đề nghị, cơ quan quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh để thực hiện tốt hoạt động kiểm sát, định kỳ 6 tháng cần chủ động có văn bản trao đổi hoặc định kỳ hằng năm yêu cầu Tòa án có văn bản trao đổi với cơ sở điều trị để nắm về quá trình điều trị, tình trạng bệnh của đối tượng. Khi nhận được văn bản thông báo của cơ sở điều trị về việc đối tượng điều trị đã ổn định hoặc khỏi bệnh thì kịp thời có văn bản đề nghị hoặc yêu cầu cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh có văn bản đề nghị tổ chức giám định pháp y tâm thần có thẩm quyền giám định sau điều trị để xác định tình trạng bệnh, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.
Kịp thời trao đổi thông tin về các trường hợp áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh có dấu hiệu vi phạm, có nghi ngờ về việc điều trị hoặc có những thông tin về việc đối tượng đang điều trị bệnh được về nơi cư trú, kể cả về có thời hạn cụ thể hoặc có vi phạm pháp luật để phối hợp xác minh, xử lý theo quy định. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thông báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền để tiếp nhận theo trình tự giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Nghiêm cấm Kiểm sát viên, công chức bao che, từ chối cung cấp thông tin hoặc không thông báo kết quả giải quyết đến đơn vị cung cấp thông tin; nếu để xảy ra vi phạm, thì tùy tính chất mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và của Ngành.
7. Thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế của công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự.
Giao cho Phòng 8 VKSND tỉnh là đầu mối quản lý tình hình chấp hành pháp luật và theo dõi kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của VKSND hai cấp tỉnh và huyện.
Phòng 1, 7 VKSND tỉnh và các VKSND huyện, thị xã, thành phố theo dõi, quản lý tình hình chấp hành pháp luật và theo dõi kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh thuộc thẩm quyền kiểm sát của đơn vị mình; thực hiện việc tổng hợp, cung cấp số liệu, thông tin ngay sau khi có phát sinh các trường hợp áp dụng, thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh trong điều tra, truy tố, xét xử và THAHS; định kỳ hằng quý báo cáo về VKSND tỉnh (qua Phòng 8) trước ngày 10 của tháng đầu quý tiếp theo để tổng hợp chung.
Phòng 8 chủ động phối hợp với các Phòng 1, 7 và các VKSND huyện, thị xã, thành phố tổng hợp những bất cập trong việc thi hành quy định của pháp luật, quy định của Ngành để đề nghị VKSND tối cao hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Văn phòng tổng hợp VKSND tỉnh phối hợp với Phòng 8 và các đơn vị có liên quan chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Viện đề nghị VKSND tối cao cấp kinh phí, phương tiện và trang thiết bị đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh của VKSND hai cấp tỉnh và huyện.
8. Tổ tuyên truyền, Trang thông tin điện tử VKSND tỉnh phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến về vị trí, vai trò, kết quả kiểm sát và trách nhiệm của VKS trong kiểm sát việc áp dụng và thi hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh.
GIANG HÀ