Thứ Bảy, 21/12/2024 22:00 CH

Bất cập trong tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ

Thông qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự trên địa bàn TP Tuy Hòa, tác giả nhận thấy phát sinh một số bất cập trong việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ.

Cải tạo không giam giữ là một trong các hình phạt đối với người phạm tội được quy định tại Điều 32 BLHS 2015. Đồng thời được quy định cụ thể tại Điều 36 BLHS “... được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do Bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội khỏi xã hội”.
Điều 56 BLHS 2015, tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định như sau:
“1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.”
Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát giải quyết án hình sự liên quan đến vấn đề tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ tại địa bàn TP Tuy Hòa có phát sinh bất cập như sau:
Thứ nhất, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng lại phạm tội mới. Trường hợp này có được mặc nhiên xem xét việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ là độc lập với việc phạm tội mới hay không.
Điển hình là bị án Nguyễn Thị R đang chấp hành hình phạt 01 năm cải tạo không giam giữ về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS kể từ ngày 21/10/2019, đến ngày 25/03/2020 R tiếp tục phạm tội Trộm cắp tài sản bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo khoản 1 Điều 173 BLHS, như vậy R chỉ mới chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được 5 tháng 4 ngày. Ngày 9/9/2022 Cơ quan thi hành án hình sự thông báo R đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ nhưng vi phạm pháp luật, ngày 14/8/2020 đã bỏ đi khỏi địa phương Phường 8. Ngày 17/11/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP Tuy Hòa ra quyết định truy nã đối với R. Ngày 10/6/2022 R bị bắt truy nã khi đang lẩn trốn tại TP Hồ Chí Minh. Ngày 12/9/2022 Tòa án xét xử vụ án thì có được xem R đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ hay không hiện có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng R đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tại Phường 8 kể từ ngày 21/10/2019, R chịu giám sát, giáo dục của UBND phường 8 nhưng R lại vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự, tiếp đó R không tiếp tục ở tại địa phương mà bỏ trốn tại TP Hồ Chí Minh. Như vậy, R vi phạm nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ được quy định tại Điều 99 Luật Thi hành án Hình sự. Do đó, không được xem xét khoảng thời gian từ khi phạm tội mới trở đi được xem R đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ, vì R không chấp hành án phạt mà bỏ đi khỏi địa phương.
Quan điểm thứ hai cho rằng mặc dù R đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới, nhưng việc vi phạm pháp luật của R trong thời gian chấp hành án không có quy định nào hay văn bản hướng dẫn nào cho rằng việc làm trên của R là chưa chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ. Vì vậy theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo thì phải mặc nhiên thừa nhận R đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ mà không phụ thuộc R phạm tội mới trong thời gian chấp hành án hay bỏ đi khỏi địa phương mà không chịu sự giám sát giáo dục.
Theo quan điểm của tác giả, việc R đang chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là phải chịu sự giám sát, giáo dục của địa phương, R phạm tội mới và tự ý bỏ đi khỏi địa phương là không tuân thủ nghĩa vụ của người chấp hành án, khi bỏ đi khỏi địa phương khác thì chủ thể nào giám sát, giáo dục đối với R. Mặc dù BLHS không quy định việc người được áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ lại phạm tội mới hoặc tự ý bỏ đi khỏi địa phương không chấp hành việc giám sát, giáo dục thì có được khấu trừ khoảng thời gian đã chấp hành hay không. Nhưng vấn đề này cần thiết phải được hướng dẫn cụ thể hoặc kiến nghị sửa đổi Điều 56 BLHS để việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ được thống nhất.
Thứ hai, người đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ nhưng sau đó án phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, kết quả xét xử lại người này bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì có được quy đổi thời gian đã chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ sang tù có thời hạn để khấu trừ hay không.
Điển hình là vụ án Huỳnh Văn K phạm tội Đánh bạc quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS. Tại bản án sơ thẩm ngày 01/6/2020 của TAND TP Tuy Hòa xử phạt bị cáo K 01 năm cải tạo không giam giữ. K chấp hành án từ 1/7/2020 đến 1/7/2021 chấp hành xong. Ngày 12/5/2021, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên hủy bản án sơ thẩm nêu trên. Ngày 31/12/2021, TAND TP Tuy Hòa xét xử lại, tuyên phạt K 18 tháng tù, trừ đi thời gian K chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ 1 năm là đã chấp hành xong 4 tháng tù, tổng cộng K còn phải chấp hành 14 tháng tù.
Đối với vấn đề này, hiện nay không được quy định tại Điều 56 BLHS thì việc Tòa án tự quy đổi hình phạt cải tạo không giam giữ của bản án sơ thẩm đã bị phúc thẩm hủy án để khấu trừ vào hình phạt tù có thời hạn như đã viện dẫn nêu trên là có lợi cho bị cáo. Tuy nhiên, việc có được quy đổi và khấu trừ hay không cần thiết phải được hướng dẫn cụ thể hoặc kiến nghị sửa đổi Điều 56 BLHS để việc tổng hợp hình phạt cải tạo không giam giữ được áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Rất mong nhận được ý kiến trao đổi, phản hồi của đồng nghiệp và quý độc giả.

Tú Vương

CÁC TIN KHÁC

Tin mới nhất

Thứ 2, 23/12/2024:

07h30:

- Chào cờ và nghe các câu chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

08h00:

- Họp giao ban Lãnh đạo Viện.

14h00:

- Họp Ủy ban kiểm sát thông qua dự thảo Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2025 (tại phòng họp, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng; Phó Chánh thanh tra, Phó Trưởng phòng 1, 7 phụ trách).

 

Thứ 3, 24/12/2024: 

08h00:

- Hội nghị trực tuyến giao ban công tác Kiểm sát cuối năm 2024 (tại hội trường, thành phần: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên).

14h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

16h00:

- Đ/c Viện trưởng và Trưởng phòng 15 làm việc với Thường trực Thành ủy Tuy Hòa.

 

Thứ 4, 25/12/2024: 

08h00:

- Đ/c Viện trưởng họp chuyên đề HĐND tỉnh khóa VIII.

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 7 báo cáo án.

14h00:

- Hội nghị toàn thể công chức, người lao động góp ý dự thảo Quy chế về tiền thưởng (tại hội trường).

- Đ/c Thanh - PVT dự Hội nghị tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2024 tại UBND TP Tuy Hòa.

 

Thứ 5, 26/12/2024:  

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

15h00:

- Tổng vệ sinh cơ quan (từ 15h00 dọn trong phòng làm việc, hành lang; từ 16h00 tập trung dọn phòng đọc báo, khuôn viên cơ quan).

 

Thứ 6, 27/12/2024:

08h00:

- Đ/c Thanh - PVT nghe Phòng 1 báo cáo án.

- Đ/c Liên - PVT nghe Phòng 9 báo cáo án.

- Đ/c Thảo - PVT nghe Phòng 8 báo cáo công tác.

 

Thứ 7, 28/12/2024:

Phân công trực cơ quan

 

Chủ nhật, 29/12/2024:

Phân công trực cơ quan