Điều 3 BLHS hiện hành quy định nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy…, khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải…
Đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng, đã hối cải thì tòa án có thể áp dụng hình phạt nhẹ hơn hình phạt tù, giao họ cho cơ quan, tổ chức xã hội hoặc gia đình giám sát, giáo dục.
Thực tiễn xét xử, trong vụ án có đồng phạm, các tòa vẫn cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo theo hướng người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, người thực hành… sẽ bị mức án nặng hơn người giúp sức. Đã có nhiều vụ người giúp sức giữ vai trò không quan trọng, có hai tình tiết giảm nhẹ trở lên được tòa xử dưới khung hình phạt áp dụng theo Điều 47 BLHS hiện hành.
Tuy nhiên, Điều 47 BLHS hiện hành cũng quy định cho dù tòa có xử dưới khung thì mức án cũng phải nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Vì vậy không ít trường hợp mức án với bị cáo là người giúp sức có vai trò không quan trọng không nhẹ hơn là bao so với bị cáo chủ mưu, cầm đầu. Điều này không hợp lý, chưa đúng quy định tại Điều 45 BLHS hiện hành là khi quyết định hình phạt, tòa căn cứ vào quy định của bộ luật này, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Khắc phục bất cập trên, Điều 54 BLHS 2015 đã bổ sung một quy định mới là tòa có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Quy định mới này sẽ giúp các tòa cá thể hóa trách nhiệm của từng bị cáo một cách triệt để hơn, chính xác hơn, công bằng hơn trong các vụ án có đồng phạm.
HỒ LƯU